MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực rừng ngập mặn ở xã Thạch Môn đang bị sinh vật "lạ" phá hoại. Ảnh: TT

“Cầu cứu” chuyên gia diệt sinh vật “lạ” phá hoại rừng ngập mặn

TRẦN TUẤN LDO | 18/10/2019 11:31
Một diện tích khá lớn rừng bần mới trồng ở Hà Tĩnh bị chết trắng do sinh vật "lạ" phá hoại, nhưng chưa xác định được là loài gì để diệt trừ

Ngày 18.10, trao đổi với Phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Trí Hà – Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh – cho biết, hiện rừng bần ngập mặn mới trồng được 1 năm ở xã Thạch Môn (thành phố Hà Tĩnh) bị một loại sinh vật “lạ” phá hại với diện tích khoảng 1ha.

Đáng nói, việc này đã được phát hiện cách đây gần 2 tháng, chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh sau đó cũng đã về trực tiếp kiểm tra và lấy mẫu sinh vật gửi cho cơ quan chuyên môn nông nghiệp xác định nhưng đến nay vẫn chưa xác định được. “Biện pháp diệt trừ hiện nay cũng chưa có, giờ đang mời các chuyên gia vào xác định và đưa ra giải pháp” – Ông Hà nói.

Theo một cán bộ kỹ thuật Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Tĩnh, sinh vật phá rừng bần ở xã Thạch Môn là một loại giáp xác chân đều, chúng đục thân khiến cho cây bần bị chết. Việc diệt trừ đang gặp khó bởi chưa xác định được đây là loài vật gây hại nên không thể công bố dịch bệnh. Thêm nữa, việc xử lý phải đảm bảo môi trường, hệ sinh thái xung quanh nên phải được các cơ quan chức năng cho phép.

Được biết, sau khi lấy ý kiến của một số sở, ngành liên quan, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Tĩnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh mời các chuyên gia thuộc các lĩnh vực lâm nghiệp, môi trường và thủy sản tìm phương án xử lý để cứu rừng.

Theo UBND xã Thạch Môn, toàn xã hiện có 45ha rừng ngập mặn, trong đó có hơn 10ha rừng bần mới trồng trong khoảng 1 năm trở lại nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn