MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cầu đường sắt Bình Lợi 117 tuổi ở Sài Gòn trước ngày tháo dỡ

MINH QUÂN LDO | 15/09/2019 17:01

Sau khi hoàn thành "sứ mệnh", cầu đường sắt Bình Lợi cũ 117 tuổi ở Sài Gòn được giữ lại một nửa để bảo tồn, nửa còn lại sẽ tháo dỡ thanh lý.

Sáng ngày 14.9, chuyến tàu chở khách cuối cùng xuất phát từ ga Sài Gòn băng qua cầu sắt Bình Lợi cũ sau hơn 117 năm khai thác. Cầu đường sắt Bình Lợi mới sẽ bắt đầu hành trình “gánh” những đoàn tàu lửa Bắc - Nam xuôi ngược.
Cầu sắt Bình Lợi được xây dựng từ những năm đầu 1900 và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 1902. Đây là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, nối quận Bình Thạnh và Thủ Đức. Công trình có 6 nhịp với với kết cấu vòm thép, dài 275 m.
Trải qua nhiều năm chiến tranh, các nhịp cây cầu bị thay đổi so với 6 nhịp thép vòm mạ cong nguyên bản khi mới xây dựng.
 
Ngoài phục vụ đường sắt, cầu còn có đường bộ dành cho xe 2 bánh. Tuy nhiên vào thời điểm xây dựng cầu mới năm 2015, phần đường này được đóng lại để đảm bảo an toàn thi công. Nhiều người hay đi tản bộ trên cầu ngắm sông nước Sài Gòn.
Tuổi đời cả thế kỷ và bị xuống cấp nghiêm trọng, cây cầu có ảnh hưởng đến giao thông đường thủy khi độ tĩnh không thấp, chỉ 1,7 m, gây khó khăn cho tàu thuyền lưu thông bên dưới.
Độ tĩnh không thông thuyền thấp nên cầu có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại. Đây là nhịp cầu quay do hãng thầu Pháp Levalllois Perret thi công (tên của Công ty Eiffel do Gustav Eiffel, kỹ sư xây tháp Eiffel sáng lập), có giá trị lịch sử đặc biệt, hiếm có với kết cấu trụ được bọc đá nguyên khối. Trải qua hơn 1 thế kỷ, hệ thống quay vuông góc 90 độ của nhịp cầu hầu như còn nguyên vẹn các bộ phận.
 
Hệ thống răng cưa, bi lăn, trục xoay của nhịp dù đã gỉ sét nhưng vẫn còn nguyên hình dạng, kết cấu từ khi xây dựng.
 
Hai hệ thống bánh răng cưa hai bên của nhịp cầu gần như còn nguyên theo thời gian.
 
Với giá trị lịch sử của công trình, UBND TP.Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ GTVT bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi, nhằm lưu giữ dấu tích của cây cầu đường sắt 117 năm tuổi, gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch.
 
Trên cơ sở đề nghị của UBND TP.Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã thống nhất giữ lại nguyên trạng gồm hai nhịp cầu, trong đó có một nhịp cầu quay và một tháp canh phía quận Thủ Đức nhằm bảo tồn
 
Nơi đây đã  trở thành một điểm sáng tác ảnh chân dung cực chất cho các bạn trẻ.
 
Nhiều người tranh thủ tới chụp ảnh kỷ niệm trên cây cầu trước khi bị tháo dỡ.
Cây cầu hơn trăm tuổi chính thức trở thành một phần của lịch sử Sài Gòn.
Trải qua 25 năm làm công việc canh, điều tiết tuyến tàu qua cây cầu này, ông Nguyễn Văn Hiệp không khỏi bùi ngùi khi sắp tới cây cầu sẽ ngưng hoạt đông, tháo dỡ một phần. “Cây cầu sắt không chỉ gắn bó với công việc, cuộc sống của tôi mà là nơi lưu giữ nhiều ký ức của người dân thành phố. Tôi rất vui khi một phần cây cầu sẽ được bảo tồn" - anh Hiệp - chia sẻ.
 
Cầu đường sắt Bình Lợi mới từ ngày 14.9, sẽ bắt đầu hành trình “gánh” những đoàn tàu lửa Bắc - Nam xuôi ngược.
 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn