MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hầm đi bộ trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) vắng bóng người sử dụng. Ảnh: Thu Giang

Cầu, hầm đi bộ tại TP Hà Nội đầu tư nhiều, hiệu quả thấp

THU GIANG LDO | 06/09/2023 06:41

Được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng trăm tỉ đồng thế nhưng nhiều công trình công cộng như cầu, hầm đi bộ tại TP Hà Nội đến nay vẫn chưa được sử dụng hiệu quả, vắng bóng người qua lại.

Nơi thừa, nơi thiếu

Ghi nhận của PV Lao Động trong ngày 4-5.9 cho thấy, nhiều công trình công cộng như cầu, hầm đi bộ tại TP Hà Nội thường nằm ở các tuyến đường lớn, vị trí giao cắt giao thông quan trọng như đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, đường Nguyễn Trãi, cầu vượt Ngã Tư Sở… góp phần giải tỏa xung đột, ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, dù được thiết kế hiện đại, kinh phí xây dựng lên tới hàng trăm tỉ đồng thế nhưng đến nay các công trình công cộng vẫn chưa thu hút người dân.

Bà Nguyễn Thị Bốn (buôn bán tạp hóa ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, hầm đi bộ tại đây gần như "vô hình" khi nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm cắt ngang dòng phương tiện đang di chuyển để băng qua đường. Dù nằm gần khu dân cư, chợ, các tòa chung cư đông đúc thế nhưng công trình hầm đi bộ trên trục đường Nguyễn Trãi vẫn không phát huy được tác dụng.

Tương tự, anh Nguyễn Thế Hưng (SN 1990, tốt nghiệp Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng) thông tin, nhiều quốc gia trên thế giới, hầm đường bộ thường là kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí hoặc kết nối với các bãi đỗ xe, nhà ga, tàu điện ngầm… nơi có mật độ giao thông đông đúc, phức tạp.

Trong khi cầu, hầm đi bộ ở Việt Nam vẫn là những công trình giao thông riêng lẻ, chưa có sự kết nối với các tòa nhà, trung tâm thương mại, chung cư nên việc giảm tải xung đột và hạn chế ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người đi bộ chưa cao.

Quy hoạch thiếu kết nối, chưa bám sát thực tế

Một số liệu thống kê từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội cho thấy, trên địa bàn hiện có khoảng 70 cầu đi bộ và 23 hầm đi bộ nhưng trên thực tế nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm để cắt ngang dòng phương tiện dày đặc để qua đường.

Theo ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - việc thiết kế cầu, hầm đi bộ tại Hà Nội vẫn chưa tối ưu hiệu quả, một số địa điểm chưa thực sự phù hợp khiến người dân gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận, di chuyển.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, để thu hút người dân sử dụng các tiện ích, công trình công cộng, đơn vị quản lý, nhà quy hoạch cần đa dạng hóa, tích hợp nhiều tiện ích cho cầu, hầm đi bộ như đặt điểm chờ xe buýt, có vạch kẻ đường dành riêng cho người đi bộ, đèn tín hiệu để đảm bảo an toàn, hệ thống thông tin liên lạc.

Trao đổi với Lao Động, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội - phân tích, theo chủ trương thì việc quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, nhất là mạng lưới hỗ trợ giao thông phải đi trước sự phát triển kinh tế. Để thu hút người dân sử dụng các công trình giao thông công cộng, có thể kết hợp các hầm đi bộ ngầm với các loại hình dịch vụ nhằm tận dụng triệt để, và thu hút người dân quan tâm.

KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích, cho đến khi lượng dân cư tiếp cận công trình giao thông công cộng tăng lên và giải quyết được các vấn đề đã nói trên, các nhà quản lý cũng cần phải cập nhập, sửa chữa, nâng cấp lại nhằm tăng tính hiệu quả sử dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn