MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những trụ cầu Long Kiểng xây dựng dở dang bên cạnh chiếc cầu sắt ọp ẹp. Ảnh: Anh Tú

Cầu Long Kiểng 20 năm chưa xây xong, người dân thấp thỏm qua cầu cũ

MINH QUÂN - ANH TÚ LDO | 15/05/2022 08:12

TPHCM - Dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) được phê duyệt cách đây hơn 20 năm qua nhưng tới nay mới chỉ xong vài mố trụ. Hằng ngày, người dân Nhà Bè phải đi qua cầu sắt cũ, nhỏ hẹp và xuống cấp trầm trọng.

Thót tim qua cầu cũ... chờ sập

This browser does not support the video element.

Video: Người dân ngán ngẩm với kẹt xe ở cầu Long Kiểng cũ.

Dự án xây dựng cầu Long Kiểng nối 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2001, năm 2007 mới bồi thường giải phóng mặt bằng được một số hộ dân. 

Tháng 8.2018, cầu Long Kiểng mới được khởi công, thiết kế dài 318m, đường dẫn hai đầu 661m, tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng; dự kiến hoàn thành vào tháng 11.2019. Thế nhưng đến giữa năm 2022, cầu vẫn chưa thi công đến đâu. Tại công trường, chỉ có 7 trụ cầu bêtông đã được dựng, trong đó có hai trụ giữa sông.

Những trụ chữ T đứng giữa lòng sông vài năm nay, chờ được kết nối.
Hàng ngày, người dân Nhà Bè phải đi qua cầu sắt nhỏ hẹp.

Việc đi lại của người dân tại 2 xã kể trên đều thông qua cầu sắt Long Kiểng (cũ) được xây từ năm 1976 dài hơn 100m, rộng 3m hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt cầu hẹp nên tình trạng tắc nghẽn xe cộ trên cầu thường xuyên xảy ra, nhất là vào khung giờ cao điểm.

Cầu sắt Long Kiểng đã 46 năm, nhỏ hẹp xuống cấp, ngày nào xe cũng ùn ứ gây rất nhiều khó khăn cho người dân qua lại.
Xe cộ đi qua cây cầu sắt cũ, tiếng sắt thép va vào nhau kêu rầm rập. 

“Sáng kẹt, trưa kẹt, chiều kẹt. Chỉ cần không chú ý, hễ ôtô từ hai hướng cùng lúc "đấu đầu" là kẹt xe ngay lập tức. Học sinh ở đây đi học phải đi từ sáng sớm chứ trễ một cái là kẹt xe không đi học được” – ông Nguyễn Văn Hiệp (61 tuổi) sống gần cầu Long Kiểng cho biết.

Cũng theo ông Hiệp, với tiền sử đã một lần sập cầu vào ngày 19.1.2018 do xe tải đi qua, người dân rất lo lắng mỗi khi dòng xe xếp hàng dài trên cầu.

"Mỗi khi nước rút, chân cầu lộ ra bêtông, sắt thép đã mục hết rồi. Mỗi lần kẹt xe trên cầu, người dân phải la làng lên vì sợ cầu sập" - ông Hiệp nói.

Cầu sắt gỉ sét, nhiều kết cấu bị lệch không còn nguyên trạng sau nhiều năm.

Người dân phải chờ cầu đến bao giờ?

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư) - cho biết nguyên nhân dự án kéo dài là do chính quyền địa phương chậm giao mặt bằng.

Sau khi khởi công cầu, các nhà thầu đã thi công trong phạm vi mặt bằng mà UBND huyện Nhà Bè bàn giao. Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành kết cấu từ trụ T1 đến T8. Tuy nhiên do chưa đủ mặt bằng nên từ tháng 12.2019, nhà thầu đã tạm ngưng thi công.

Cầu Long Kiểng đình trệ vì vướng giải tỏa đền bù mặt bằng ở hai đầu cầu.

Ông Trần Phương Tuấn - Trưởng Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè, cho biết dự án cầu Long Kiểng tổng cộng có 128 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó đã bồi thường 25 hộ (giai đoạn 1), còn giai đoạn 2 với 103 hộ chưa xong.

Trong đó có 46 hộ thuộc diện phải tái định cư và 15 trường hợp giải tỏa toàn bộ có nhà, đất không đủ điều kiện tái định cư. Tuy nhiên, hiện huyện Nhà Bè không có quỹ đất để bố trí nên sẽ chuyển sang phương án chi trả bằng tiền.

Giữa năm 2021, huyện Nhà Bè đã ban hành các quyết định thu hồi đất, phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các quyết định có liên quan. Tổng kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 311,7 tỉ đồng cho 103 hộ dân bị ảnh hưởng.

Đến nay đã có 68 hộ đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Trong đó, huyện đã chi trả xong cho 57 hộ với tổng số tiền hơn 157 tỉ đồng và đang tiếp tục thực hiện chi trả.

Riêng với 35 hộ còn lại chưa đồng ý nhận tiền với lý do đơn giá bồi thường thấp.

“Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân. Trên cơ sở đó sẽ có phương án để công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện hiệu quả hơn, phấn đấu hoàn thành trong quý 3/2022 – ông Tuấn nói.

Cầu Long Kiểng dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Theo ông Lương Minh Phúc, sau khi được bàn giao mặt bằng, dự án dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng sau hơn một năm thi công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn