MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu tràn khi nước lũ về. Ảnh: Người dân cung cấp

Cầu mới giúp thôn nghèo Hà Tĩnh thoát cảnh cô lập mỗi khi lũ về

HỮU CHÁNH LDO | 04/04/2023 09:09

Hà Tĩnh - Một cây cầu mới sẽ mang đến sự an toàn cho các em học sinh xã Hương Vĩnh (Hương Khê) trên con đường tiếp cận tri thức, hỗ trợ nhu cầu di chuyển nông sản, góp phần phát triển kinh tế cho người dân địa phương.

Cô lập mỗi khi lũ về

Hàng chục năm qua, bao thế hệ người dân thôn Vĩnh Ngọc (xã Hương Vĩnh, Hương Khê, Hà Tĩnh) miệt mài vượt qua cây cầu tràn Khe Tuần để mưu sinh hay đưa con em đến trường.

Với người dân thôn nghèo, cây cầu là cầu nối duy nhất của họ với thế giới bên ngoài.

Thế nhưng, vào mùa mưa, khi dòng nước dâng tràn qua cả mặt cầu, niềm hy vọng ấy lại trở thành nỗi lo sợ thường trực. 

Tuyến đường dài 1,2 km đi qua khu vực Đập Miệu gồm một thân đập bằng đất do Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hương Vĩnh xây dựng năm 1978 dài 500 m đến nay đã xuống cấp.

Cầu tràn Khe Tuần dài 12 m được xây năm 2002, hiện cũng đã xuống cấp, hư hỏng.

Cầu tràn qua khu vực Đập Miệu. Ảnh: Hữu Chánh

Ông Nguyễn Văn Thìn - Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Ngọc - chia sẻ, mỗi khi lũ về, toàn thôn bị cô lập vì cầu tràn chìm nghỉm trong màn nước xiết. Không ít trường hợp người dân bị lũ cuốn, bị trôi hết tài sản khi cố vượt qua để về với gia đình.

"Nhiều trường hợp ốm đau bị trở nặng do không thể được đi chữa trị kịp thời, thậm chí dẫn đến tử vong. Con đường liên thôn bị ngăn trở cũng đồng nghĩa với việc các em nhỏ phải chấp nhận nghỉ học bất cứ lúc nào trong mùa mưa lũ" - ông Thìn nói.

Hằng ngày, có khoảng 100 em học sinh đi lại qua cầu tràn. Ảnh: Hữu Chánh

Những ngày mưa lũ tháng Tư, tháng Tám, trước sức nước cuồn cuộn, cả người, xe và mọi thứ có thể theo dòng nước trôi xa.

Ông Lê Khắc Táo (61 tuổi, thôn Vĩnh Ngọc) là một ví dụ điển hình, khi từng bị dòng nước cuốn trôi vào mùa lũ 2021.

Mất tài sản, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng để có thể lo được bữa cơm cho gia đình đủ đầy, ấm cúng, ông Táo không còn lựa chọn nào khác khi phải băng qua dòng nước xiết khi mưa lũ về.

Không riêng gia đình ông Táo, hàng chục hộ dân đang thu hoạch nông sản của thôn cũng trăn trở khôn nguôi khi những cơn mưa bất chợt ùa về. 

Những nông sản này vô cùng tươi mới, nhưng chẳng ai dám chắc nông sản có đến được tay người tiêu dùng hay không?

Ông Lê Khắc Táo. Ảnh: Hữu Chánh
Khi lũ về, chính quyền địa phương phải lập chốt cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân. Ảnh: Người dân cung cấp

Hành trình đi tìm con chữ của hơn 100 em nhỏ học sinh trong thôn cũng chưa bao giờ thôi vất vả. Một năm có 10 đợt mưa mưa lũ là những ngày dài liên tiếp các em phải nghỉ học.

Dù các thầy cô đã cố gắng dạy bù lại kiến thức hổng cho các em vào những ngày nghỉ, nhưng việc học tập của các em cũng không tránh khỏi gián đoạn, khó theo kịp các bạn đồng trang lứa.

Cầu nối yêu thương

Tuy nhiên, những khó khăn kể trên của người dân và các em học sinh thôn Vĩnh Ngọc (xã Hương Vĩnh) đã là câu chuyện của nhiều tháng trước.

Thấu hiểu những hoàn cảnh của người dân nơi đây, Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, đầu tư, xây mới cầu Khe Tuần.

Đây là cây cầu số 98 trong chương trình Cầu nối yêu thương được Nhựa Tiền Phong khởi xướng từ năm 2017.

Trong ngày khởi công xây dựng cây cầu mới (ngày 3.4), nhiều người dân không giấu được niềm vui. Trẻ con vô tư nói cười, hân hoan khi chỉ trong một thời gian ngắn nữa, niềm mơ ước của nhiều thế hệ người dân địa phương sẽ trở thành hiện thực.

Các đại biểu thực hiện lễ khởi công. Ảnh: Hữu Chánh
Khảo sát và lên phương án xây dựng cầu. Ảnh: Hữu Chánh

Ông Nguyễn Văn Thị - Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh - kỳ vọng, sau khi được khánh thành, cây cầu sẽ mang đến diện mạo mới cho thôn, giúp cuộc sống của bà con đỡ vất vả, từng bước thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Cầu Khe Tuần dự kiến sẽ được xây mới dài 25,06 m tính đến đuôi mố, bề rộng cầu 3,5 m, tải trọng 7 tấn cùng 35 m đường dẫn bê tông. Tổng kinh phí xây dựng ước tính là 1,7 tỉ đồng.

Dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn thành trước thềm năm học mới, sớm mang đến cây cầu mới an toàn cho các em nhỏ thuận lợi đến trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn