MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu nghìn tỉ nối Thái Bình - Nam Định sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Ảnh: Lương Hà

Cầu vượt sông Hồng, đường ven biển: "Đòn bẩy" phát triển kinh tế Thái Bình

Trung Du - Lương Hà LDO | 16/12/2023 13:39

Thái Bình - Cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình - Nam Định thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình được xây dựng với tổng số vốn gần 1.000 tỉ đồng, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là kinh tế biển.

Đảm bảo tiến độ xây dựng cầu nối Thái Bình - Nam Định

Sau gần 3 năm thi công, công trình cầu vượt sông Hồng nối huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) - huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng đang dần hoàn thành. Đây là một hạng mục trong dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ ven biển Bắc - Nam (dài 550km đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh - Thanh Hóa). Trong đó, đoạn qua tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài 43km.

Cây cầu này có tổng chiều dài 1,4 km với 27 nhịp, trong đó có 5 nhịp cầu chính và nhịp chính giữa sông vượt khẩu độ 120 m.

Đơn vị thi cầu cầu vượt sông Hồng đã hoàn thành hơn 90% khối lượng. Ảnh: Lương Hà

Ông Phạm Quang Cường - Chỉ huy thi công cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình - Nam Định - cho biết: "Tiến độ thi công công trình vẫn đang bảo đảm theo kế hoạch, hiện đã hoàn thành hơn 90% khối lượng. Để đảm bảo tiến độ của dự án, các máy móc, thiết bị và nhân lực đều tập trung thi công khẩn trương và chia thành 4 mũi thi công với hơn 200 cán bộ, công nhân thi công theo ca ngày và đêm".

Cũng theo ông Cường, công trình hiện bước vào giai đoạn thi công những hạng mục cuối, đơn vị thi công đang tập trung vào xây dựng các hạng mục nhịp cầu chính, đúc hẫng cân bằng 3/4 trụ (đã xong 1 trụ). Phần cầu dẫn ở hai phía huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) và huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đã hoàn thiện.

Hơn 200 cán bộ, công nhân thi công theo ca ngày và đêm để đảm bảo tiến độ xây dựng cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình - Nam Định. Ảnh: Lương Hà

Trước đó, tại Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Nguyễn Khắc Thận - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - cũng nhấn mạnh, cần tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; hoàn thiện thủ tục phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc CT.08 và triển khai các thủ tục tiếp theo; tập trung tháo gỡ vướng mắc của dự án BOT (tuyến đường bộ ven biển, đường từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn...).

Đòn bẩy phát triển kinh tế biển

Được biết, công trình cầu vượt sông Hồng nối huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) - huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình là công trình có ý nghĩa quan trọng.

Sau khi cầu vượt sông Hồng hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ kết nối giao thông của Thái Bình - Nam Định nói riêng và mạng lưới giao thông trong khu vực, hệ thống đường giao thông quốc gia.

Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình đang thi công. Ảnh: Nguyễn Anh

Bên cạnh đó, cầu vượt sông Hồng và tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của vùng kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, củng cố quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của Khu kinh tế Thái Bình.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh Thái Bình cùng quyết tâm cao và nỗ lực vượt khó của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công, trong thời gian tới, công trình cầu vượt sông Hồng và tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình sẽ sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch đề ra.

Cầu Trà Lý 2 bắc qua sông Trà Lý nối 2 huyện ven biển Thái Thụy - Tiền Hải nằm trên tuyến đường bộ ven biển Thái Bình. Ảnh: Nam Hồng

Gần đây nhất, ngày 28.11, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đã được Quốc hội chính thức thông qua.

Đáng chú ý, tại Nghị quyết này, hai dự án đường bộ thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã được Quốc hội cho phép tăng tỷ lệ vốn góp nhà nước vượt 50% tổng vốn đầu tư theo quy định của Luật PPP hiện hành là: Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và dự án đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình được cho tăng phần vốn góp Nhà nước lên không quá 80% tổng vốn đầu tư (phần vốn nhà nước tham gia tăng thêm được bố trí từ ngân sách địa phương).

Đây là một tin vui bởi sẽ giải quyết rất lớn khó khăn về nguồn vốn, giúp dự án vượt khó để sớm về đích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn