MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sẽ trồng cây mới thay thế cây đa di sản trăm tuổi ở Cao Bằng đổ ngã do thiên tai. Ảnh: Tân Văn.

Cây đa di sản trăm tuổi đổ do dông lốc, tỉnh Cao Bằng xử lý thế nào?

Tân Văn LDO | 22/04/2024 13:28

Vừa được công bố chưa lâu, cây đa di sản trăm tuổiCao Bằng đã bị đổ ngã do dông lốc.

Những ngày gần đây, thông tin cây đa di sản trăm tuổi ngay trước cổng đền vua Lê (xóm Na Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An) đổ ngã sau cơn dông lốc khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Là người sinh sống cạnh ngôi đền đã lâu, ông Hoàng Xuân Sinh (72 tuổi), chia sẻ với PV: “Sáng 18.4, mở cửa nhà ra thấy cây đa đổ, cả một khoảng trời trước kia tán cây che bóng nay trống hoác khiến tôi tiếc ngẩn ngơ. Không phải chỉ mình tôi mà nhiều người dân trong xóm Na Lữ này cũng có cảm giác như thế vì cây đa gắn bó với rất nhiều thế hệ người dân nơi đây rồi”.

Cây đa đổ ngã ra phía thửa ruộng gần ngôi đền. Ảnh: Tân Văn

Theo ông Sinh, nhiều người dân đã xem cây đa như một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. "Người lớn tuổi nhất xóm này là gần 100 tuổi nói lại, cây đa ở đó từ rất lâu rồi, lớp lớp người xóm Na Lữ này đều từ dưới bóng cây mà lớn lên" - ông Sinh bùi ngùi.

Khi cây được công nhận là "Cây di sản", bồn cây quanh gốc xây vuông vức, người dân trong xóm mỗi lúc đi làm đồng về thường ngồi nghỉ dưới gốc cây, tán cây che mát cả một khoảng trời.

Thời điểm cây ngã đổ, cả một khoảng trời trống hoác lộ ra, đó không hẳn là sự trống trải về mặt không gian nó còn là sự trống vắng, như mất một thứ gì đó trong lòng mỗi người dân.

Ông Sinh và rất nhiều người dân xóm Na Lữ cảm thấy như mất một thứ gì đó trong lòng khi cây đa trăm tuổi đổ ngã. Ảnh: Tân Văn

Ông Phan Thắng (người trong xóm Na Lữ) khi hay tin cây đa bị đổ trong đêm, sáng sớm ngày 18.4, khi gió tạm lắng đã chạy ngay ra hiện trường. Người đàn ông cứ tiếc ngẩn ngơ, khi một trong những biểu tượng của làng đã đổ xuống. Nhiều người dân như ông Sinh, ông Thắng lâu nay vẫn luôn có ý thức giữ gìn bảo vệ những di sản, di tích lâu đời.

Theo tìm hiểu, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đền Vua Lê là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Tại đây, đầu năm 1936, nhà cách mạng Hoàng Đình Giong đã chỉ thị thành lập Đoàn Thanh niên phản đế; năm 1944, đền là nơi họp hội nghị Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng; tháng 9.1945, đền là nơi tập trung tiễn đưa quân đi Nam tiến...

Do bị sâu bệnh từ lâu, bên trong cây đa đã mục ruỗng. Ảnh: Tân Văn.

Những sự kiện đó đều được thực hiện dưới tán cây đa. Người dân từ lâu đã xem cây đa như một nhân chứng sống, chứng tích cho mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.

Ngày 22.4, trao đổi với Lao Động, một lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cho hay, tỉnh sẽ nhanh chóng phối hợp với huyện Hòa An để có phương án xử lý cây đã bị đổ ngã do thiên tai.

"Cùng với đó, cây đa này là Cây di sản nên thời gian tới sẽ tiến hành trồng cây mới thay thế nhằm tiếp nối truyền thống tốt đẹp" - lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định.

Ngày 15.2.2024 (mùng 6 Tết Giáp Thìn), Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Cao Bằng vừa công bố quyết định của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận và gắn biển 2 cây đa tại đền vua Lê là Cây di sản Việt Nam năm 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn