MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoa hồng trồng tại một số xã của huyện Quản Bạ (Hà Giang) cho thu hái quanh năm bởi khí hậu thuận lợi. Ảnh: Văn Tùng

Cây hoa hồng tạo việc làm cho người dân vùng cao nguyên đá

Văn Tùng LDO | 05/08/2023 07:19

Mỗi hecta hoa hồng tại huyện Quản Bạ (Hà Giang) đang cho thu nhập cao gấp hàng chục lần các loại rau vụ đông hay cây ăn quả bản địa, nhờ đó, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.

Những ngày cuối tháng 7.2023, khi các làng hoa hồng dưới xuôi đã vắng bóng thương lái bởi nắng gắt khiến cây hoa không thể cho chất lượng tốt nhất thì những ruộng hoa hồng tại xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) vẫn nhộn nhịp kẻ bán người mua.

Anh Đặng Đình Thụ (thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến) vốn quê gốc ở làng hoa Mê Linh (Hà Nội), sau một lần đi chơi kết hợp khảo sát địa điểm để trồng hoa đã nhận thấy tiềm năng của đất Quản Bạ. Năm 2018 anh Thụ khăn gói bỏ phố lên núi đá để trồng hoa hồng, thời điểm đó nhiều người can ngăn, thậm chí nói anh gàn dở.

Anh Thụ thuê 1,5 hecta đất trong 10 năm, hiện tại mỗi bông hoa hồng tại ruộng được thương lái mua với giá từ 1.500 - 4.000 đồng/bông. Như vậy, mỗi hecta hoa hồng của anh Thụ sẽ cho thu nhập ổn định 200 - 400 triệu đồng/năm. Con số này cao gấp cả chục lần thu nhập từ các cây rau xứ lạnh, cây ăn quả khác.

Gần đó, anh Nguyễn Thành Nam - cũng từ gốc dưới xuôi lên vùng cao Quản Bạ để làm kinh tế từ năm 2019. Vốn có nghề trồng hoa cây cảnh nên anh Nam nhanh chóng chọn cây hoa hồng để khởi nghiệp, đến nay, sau hơn 4 năm anh đã có trong tay hơn 3 hecta hoa hồng cho thu hoạch quanh năm.

Ngoài thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm, những ruộng hoa hồng của nhà anh Nam còn đang tạo việc làm cố định cho 5 lao động địa phương.

Mặc dù cho giá trị cao là thế nhưng hoa hồng trồng ở một số xã của huyện vùng cao Quản Bạ đến nay vẫn chưa thể coi là loại cây trồng thay thế cho các loại cây khác bởi những hạn chế nhất định.

Anh Nguyễn Thành Nam cho biết, không giống như ở dưới xuôi, vùng núi đá rất ít đất để trồng được cây. Anh phải đi thuê gom của từng nhà rồi gộp lại thành một mảnh lớn để tiện cho việc trồng, chăm sóc và thu hái.

“Nguồn nước tưới cho cây hồng cũng là hạn chế của các huyện vùng cao Hà Giang, đặc biệt là vào mùa khô. Quỹ đất vẫn là điều tôi lo nhất, bởi cây hoa hồng chu kỳ khai thác khoảng 10 năm, sau đó phải có đất mới hoặc trồng các loại cây trồng khác để cải tạo đất một thời gian thì mới có thể trồng tiếp” - anh Nam chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chiến Thuật - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Quản Bạ cho biết, cây hoa hồng đã trồng ở Quản Bạ được hơn 5 năm nay. Chưa có thống kê cụ thể về số hộ trồng, nhưng trên địa bàn hiện có khoảng 25 hecta hoa hồng, đa phần do người từ các địa phương khác về thuê gom đất của người dân để trồng.

“Phải khẳng định hoa hồng cho thu nhập cao hơn các loại cây rau vụ đông, cây ăn quả khác được trồng bao đời ở đây. Cũng nhờ nghề trồng hoa mà nhiều lao động địa phương có việc làm. Chúng tôi duy trì diện tích hoa hồng hiện có và có xu hướng dồn lại, tập trung thành một vùng trồng riêng biệt để hạn chế ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật” - ông Thuật thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn