MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cây thị cổ hơn 300 năm tuổi ở Đình Trung Tự là cây Di sản Việt Nam

Vương Trần LDO | 15/04/2022 07:34

Theo các vị cao niên trong làng Trung Tự (phường Phương Liên, quận Đống Đa), cây thị cổ ở đình Trung Tự có tuổi đời hàng trăm năm, thuộc loại “thất tuyệt”, tức có 7 điều quý: cây thọ, tán rộng, chịu hạn, không có tổ chim, gỗ làm ván in, quả thơm để cúng, vỏ làm thuốc chữa bệnh.

Cách đây tròn 30 năm, ngày 23.6.1992, Đình Trung Tự được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Ở ngay lối vào đình, có một cây thị cổ có tuổi đời hàng trăm năm, cành lá xum xuê, sừng sững đứng nghiêm trang cạnh cổng đình đã chứng kiến biết bao biến động của lịch sử.

Hàng năm vào ngày 20 tháng 8 âm lịch, dân hiếu học trong làng làm lễ tế các bậc tiên hiền dưới bóng cổ thụ này. 

Theo các vị cao niên trong làng, cây thị này thuộc loại “thất tuyệt”, tức có 7 điều quý: cây thọ, tán rộng, chịu hạn, không có tổ chim, gỗ làm ván in, quả thơm để cúng, vỏ làm thuốc chữa bệnh.

Năm nay, một điều đặc biệt hơn, cây thị cổ thụ vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quyết định công nhận là cây Di sản Việt Nam. 

“Đây là một niềm tự hào với người dân làng Trung Tự và phường Phương Liên. Cây thị cổ thụ đã chứng kiến bao sự đổi thay, thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn hiên ngang rợp bóng mái đình” - Ông Trần Vũ Đại - Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liên khẳng định như vậy khi trao đổi với PV Lao Động.

Cây thị cổ ở Đình Trung Tự (phường Phương Liên, quận Đống Đa). Ảnh: Trần Đại

Theo ông Đại, cây thị đã có từ nhiều đời nay. Người dân làng Trung Tự từ già đến trẻ đều gọi tên chung là “cây thị cổ”.

Các vị cao niên trong làng Trung Tự, phường Phương Liên như cụ Mai Thế Tế, Ngô Doãn Phương, Lê Văn Lai, Vũ Thị Chu… khi được hỏi cây Thị có từ khi nào đều trả lời: “Lúc bà nội cụ còn sống, cụ cũng đã hỏi như vậy. Bà nội của cụ trả lời rằng, khi bà còn trẻ cũng đã thấy cây thị to như thế này rồi”. Qua lời kể của các vị cao niên, cây thị cổ đã tồn tại ít nhất 5 đời, nghĩa là trên 300 năm.

Cây thị cổ có chu vi gốc cây gần 6m, chu vi thân cây gần 5m, chiều cao 30m. Cây đứng, một thân, tán rộng với đường kính tán khoảng 18m, rợp mát cả một phần mái đình và sân đình Trung Tự.

Hiện nay, cây sống xanh tốt bình thường. Hàng năm cây ra hoa, kết trái đều đặn. Đến mùa hè hàng năm, quả thị rụng vàng kín cả sân đình.

Mọi công tác chuẩn bị Lễ dâng hương truyền thống của Đình Trung Tự năm 2022 đã được hoàn tất. Ảnh: Trần Đại

Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liên cho biết, theo sử sách ghi lại, dưới gốc cây thị cổ kính trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã từng là nơi tụ họp của du kích làng Trung Tự chống quân xâm lược. Trong hốc cây đã từng cất giấu tài liệu cách mạng bí mật. Đình Trung Tự cũng đã được UBND TP.Hà Nội quyết định gắn biển “Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến”. 

Ngày nay, mái đình làng, cây thị cổ là niềm tự hào, là những dấu ấn, những kỷ niệm không thể phai mờ của mỗi người dân, nhất là những người con sống xa quê hương.

Nhiều người làm ăn xa mỗi khi về lại thăm quê lại đọc những vẫn thơ, gắn liền với cây thị.

“Mỗi lần về lại thăm quê

Nhìn cây thị cổ sum xuê đình làng

Lòng người lại thấy xốn sang

Phương Liên - Trung Tự, tên làng thân thương…”

*Đình Trung Tự được xây khoảng cuối thế kỷ 17 địa chỉ ở ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Trải qua bao sự thay đổi của thời gian, đình Trung Tự vẫn giữ được nhiều kỷ vật. Ngay lối vào đình có cây thị cổ hàng trăm năm, cành lá xum xuê.

Hằng năm, cứ vào ngày rằm tháng 3 âm lịch, là dịp để nhân dân và quý khách thập phương xa gần về với di tích Đình Trung Tự cùng tỏ lòng thành kính Dâng hương Thượng Đẳng Tối Linh Thần Cao Sơn Đại Vương vị Thần linh thiêng đã phù trợ giúp giữ yên nhà nước Văn lang cổ đại, bảo vệ ngôi báu Vua Hùng và ngầm giúp Vua Lê Tương Dực dành lại ngai vàng.

​Đình Trung Tự là di tích lịch sử văn hóa, một di tích vọng thờ Thần Cao Sơn, phối thờ công chúa Huệ Minh nằm trong cụm di tích đình – chùa ở phía nam kinh thành Thăng Long, trong một khu vực đậm đặc nhiều di tích cổ quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, khoa học của kinh đô dưới các thời quân chủ phong kiến. Đó là Đàn Xã Tắc ở phía tây, là Đại Thiên Văn (nay thuộc phường Khâm Thiên) ở phía Bắc, đặc biệt Đình Trung tự nằm ngay cạnh Đền Kim Liên Trấn Nam thuộc kinh thành Thăng Long xưa.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn