MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây thị cổ thụ ở xã Kim Hoa gắn với chuyện ăn thề đánh giặc của Vua Lê Lợi năm 1425. Ảnh: Trần Tuấn.

Cây thị cổ thụ hơn 700 năm tuổi nơi Vua Lê Lợi ăn thề quyết tâm đánh giặc

TRẦN TUẤN LDO | 28/03/2023 09:52

Hà Tĩnh - Tại xã Kim Hoa (huyện Hương Sơn) hiện có một cây thị cổ thụ khoảng 5 người ôm không xuể, theo sử sách Vua Lê Lợi đã ngồi dưới tán cây này tổ chức ăn thề quyết tâm đánh giặc.

Sáng 28.3, ông Phan Văn Đoài - Chủ tịch UBND xã Kim Hoa - thông tin, tại thôn Kim Sơn của xã Kim Hoa có một cây thị cổ thụ với đường kính gốc khoảng 4m, ước 5 người ôm không xuể, thân cao khoảng 20m, cành lá xum xuê, hàng năm trĩu quả.

Đặc biệt, trong gốc cây có hốc rỗng ruột lớn, vài người có thể vào ẩn nấp bên trong. Theo các vị cao niên, cây thị này được các thế hệ tiền bối kể ước đến nay đã hơn 700 năm tuổi.

Cây thị cao lớn hơn 700 năm tuổi. Ảnh: Trần Tuấn

Dưới gốc thị có một ngôi đền người dân địa phương gọi là ngôi đền gốc thị đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Theo ông Đoài, cây thị cổ thị ở thôn Kim Sơn trước đây thuộc thôn Kim Sơn 2 xã Sơn Phúc, nhưng từ năm 2020 xã này sáp nhập với xã Sơn Mai và xã Sơn Thủy thành xã Kim Hoa.

Ở phía dưới gốc thị này, người dân lập đền thờ, đặt tên là "Gốc thị sử tích" hay còn gọi là "Cây thị ăn thề". Bia đá chỉ rõ gốc thị là chứng tích của một lời tuyên thề quyết tâm đánh đuổi giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn.

Tấm bia dưới gốc thị sử tích ăn thề. Ảnh: Trần Tuấn

Cũng theo sử sách, cây thị cổ đó gắn liền với rất nhiều truyền thuyết về một thời dấy binh đánh giặc của Lê Lợi. Vào năm 1424, trong quá trình đánh giặc Minh, để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ chín muồi, nghĩa quân Lê Lợi phải chuyển vào vùng núi Thiên Nhẫn (giáp ranh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để ẩn nấp.

Một lần bị địch truy đuổi, Lê Lợi chạy đến vùng núi huyện Hương Sơn và nấp vào trong hốc của gốc thị này. Khi truy tìm thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn, đàn chó săn của quân Minh liên tục sủa vang xung quanh gốc thị, quân địch dùng gươm giáo xỉa vào cây khiến ông bị thương phải nén đau xé áo băng bó. Ngay lúc đó, một con cáo trắng từ bên trong hốc cây sợ quá chạy ra khiến đàn chó săn của giặc đuổi theo nên Lê Lợi thoát nạn.

Vào năm 1425, biết tin thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đang đứng lên khởi nghĩa ở vùng núi Hương Sơn, Lê Lợi đã tìm đến chiêu quân, kết nghĩa anh em. Sau đó cả hai cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề dưới gốc thị cổ, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc Minh.

Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại lịch sử: "Cắt tóc, giết ngựa trắng/ Dưới gốc thị thề nguyền/ Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ".

Bên trong gốc cây bị rỗng ngồi dưới nhìn lên ngọn trông như mái nhà. Ảnh: Trần Tuấn

“Sở hữu cây thị cổ thụ gắn với lịch sử đánh giặc của nhà Vua, của cha ông, cán bộ, nhân dân chúng tôi rất tự hào. Tuy nhiên, vừa qua dù đã trình hồ sơ đề nghị ngành chức năng công nhận là cây di sản nhưng hiện vẫn chưa được.

Mong rằng, thời gian tới cây thị cổ thụ này sẽ được công nhận là cây di sản để có sự quan tâm đầu tư, bảo tồn tốt hơn” - Chủ tịch UBND xã Kim Hoa Phan Văn Đoài nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn