MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc thi công dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua huyện Tây Sơn gây bụi bặm, nứt nhà dân. Ảnh: Hoài Luân

Chậm chi tiền đền bù, huyện Tây Sơn, Bình Định "cầu cứu" Bộ Giao thông Vận tải xử lý

Hoài Phương LDO | 23/05/2024 18:11

Bình Định - Về việc chủ đầu tư chậm chi tiền đền bù, UBND huyện Tây Sơn đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương chuyển 50 tỉ đồng để địa phương này chi trả bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19.

Ngày 23.5, thông tin với Lao Động, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn - cho biết, huyện đã có báo cáo gửi Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Định và Ban QLDA 2 (Bộ GTVT) về tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 19) đoạn qua huyện Tây Sơn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn huyện Tây Sơn, Bình Định. Ảnh: Hoài Luân

Theo ông Khánh, UBND huyện Tây Sơn đã phê duyệt phương án và chi phí bồi thường, hỗ trợ do GPMB 4 đợt (20, 21, 22, 23), với tổng kinh phí bồi thường hơn 34,4 tỉ đồng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện đã ban hành 4 văn bản đề nghị chủ đầu tư (Ban QLDA2) chuyển tiền theo phương án được duyệt, nhưng đến nay, chủ đầu tư chưa chuyển tiền.

Mặt đường các đoạn vướng đền bù lỏm chỏm sỏi đá, bụi “trắng trời” khi có ô tô đi ngang qua. Ảnh: Hoài Luân

UBND huyện Tây Sơn cũng chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện kiểm tra, lập bảng kê khái toán chi phí bồi thường, hỗ trợ do GPMB phần chủ đầu tư thay đổi, bổ sung thiết kế, kinh phí dự kiến hơn 15,5 tỉ đồng.

"Huyện thường xuyên liên hệ, đề nghị chủ đầu tư phối hợp trong công tác đền bù, nhất là việc khảo sát đánh giá, giám định và thực hiện bồi thường đối với nhà ở bị ảnh hưởng do thi công dự án. Đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương chuyển tiền cho địa phương chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng, để người dân sớm thực hiện phương án tái định cư, sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống, nhưng đến nay chủ đầu tư không thực hiện cũng như chưa chuyển tiền" - ông Khánh cho hay.

Hàng trăm nhà dân bị nứt toác do ảnh hưởng bởi việc thi công nâng nền đường Quốc lộ 19. Ảnh: Hoài Luân

Vẫn theo ông Khánh, tồn tại vướng mắc hiện nay là việc thi công lu nền đường gây nứt nhà dân, nhưng công tác xác định tài sản vật kiến trúc đối với các hộ bị ảnh hưởng vẫn còn rất chậm.

Hiện còn 300 hộ dân ở xã Tây Giang và 60 hộ dân ở xã Tây Thuận bị nứt nhà do thi công lu nền, nhưng đơn vị chưa đánh giá xác định mức độ thiệt hại.

Chủ đầu tư cũng chưa gửi kế hoạch thi công chi tiết nên địa phương không có cơ sở để lên phương án bảo vệ thi công các vị trí còn vướng trên công trình.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn.

"Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA 2 khẩn trương chuyển 50 tỉ đồng. Đẩy nhanh tiến độ thi công tại các điểm đèo An Khê; Trung tâm thị trấn Đồng Phó và cầu Ba La, các vị trí này đã được GPMB sạch.

UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn cho địa phương cách tính chi phí do chủ đầu tư chậm chuyển tiền sau 30 ngày phương án được duyệt để chi trả cho người dân" - ông Khánh kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Khánh cũng đề nghị Ban QLDA 2 xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về tiến độ thi công gửi về huyện để kịp thời phối hợp xử lý các vướng mắc.

Khẩn trương gửi báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng nhà dân trước khi triển khai thi công đến từng hộ dân dọc tuyến dự án. Đồng thời, chuyển số tiền 50 tỉ đồng trong tháng 5.2024, để địa phương giải quyết đền bù cho các hộ dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn