MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại Khoa H, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần: Thiếu nhân lực, đãi ngộ thấp, nhiều khó khăn

Quỳnh Chi LDO | 13/04/2021 08:00
Theo Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 9.2020, người bị rối nhiễu tâm trí ước tính hơn 10,5% dân số, tương đương 10,3 triệu người, riêng người tâm thần nặng khoảng 250.000 người. Và số người tâm thần có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố, đô thị lớn là áp lực rất lớn đối với ngành bảo trợ xã hội. Nhân lực thiếu, đãi ngộ thấp, cơ sở hạ tầng xuống cấp và không đáp ứng được yêu cầu... là những tồn tại đã diễn ra nhiều năm qua.

Nhiều mô hình tốt về chăm sóc bệnh nhân

Hưng Yên hiện có 5.738 người tâm thần, trong đó 250 người được nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người tâm thần và 3.852 người tâm thần ở cộng đồng có sổ theo dõi và được lĩnh thuốc hàng tháng, chiếm tỉ lệ 71%.

TPHCM có 15.890 người tâm thần, trong đó có khoảng 2.500 người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội và khoảng 50% người tâm thần sống ở cộng đồng được các trung tâm y tế cấp quận/huyện khám và cấp phát thuốc điều trị.

Lai Châu có 1.001 người tâm thần, 4 người được gửi đến trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì, còn lại đều sống tại cộng đồng. Trong đó, 864 người được các trạm y tế xã cấp phát thuốc hàng, tháng đạt tỉ lệ 86%.

Hiện nay, với hơn 10 triệu người bị rối nhiễu tâm trí, 250.000 người tâm thần nặng, việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần là một thách thức, gánh nặng lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội. Cả nước hiện có 100 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần; trong đó có 27 cơ sở chăm sóc chuyên biệt cho người tâm thần, 73 cơ sở tổng hợp. Khoảng 10.438 người tâm thần nặng đang được chăm sóc và phục hồi chức năng trong 100 cơ sở trợ giúp xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.

Một số địa phương đã xây dựng mô hình tốt về lao động trị liệu và phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần nặng như Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Sơn La, Thừa Thiên-Huế; Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần Việt Trì.

Theo Cục Bảo trợ xã hội (BTXH), dự báo đến năm 2030, số người rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam chiếm khoảng 11% dân số, tương đương 12 triệu người. Trong đó, số người tâm thần nặng thuộc diện bảo trợ xã hội ước tính khoảng 2,5% số người bị rối nhiễu tâm trí, tương đương hơn 300.000 người. Đây là con số rất lớn mà không hệ thống trung tâm bảo trợ xã hội và bệnh viện tâm thần nào có thể đáp ứng nuôi dưỡng nội trú suốt đời.

Về đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế điều trị người tâm thần, đến năm 2020, cả nước có khoảng 43 bệnh viện tâm thần, trong đó có 3 bệnh viện tâm thần Trung ương, 38 bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh, thành phố với khoảng trên 8.000 bác sĩ, nhân viên y tế. Các bệnh viện tâm thần ở tuyến Trung ương vẫn hàng ngày tiếp nhận bệnh nhân từ các khoa khác trong bệnh viện đưa đến hoặc bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên.

Thách thức

Đến nay, dù khoảng 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm với gia đình, cộng đồng và người tâm thần lang thang ở các tỉnh, thành phố trong cả nước được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội nhưng công tác chăm sóc, phục hồi đối tượng này còn đối diện rất nhiều thách thức. Các dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng chưa được thực hiện ổn định, thường xuyên; chất lượng chưa cao do thiếu đội ngũ cán bộ công tác xã hội mang tính chuyên nghiệp.

Các cơ sở trợ giúp xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần chuyên biệt mới có 27 cơ sở, chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu. Quy trình chăm sóc và phục hồi chức năng của các cơ sở trợ giúp xã hội chưa luân phiên nhanh; kỹ năng và phương pháp chăm sóc chưa khoa học; phần lớn các cơ sở bị xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng.

Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc người tâm thần còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực sức khỏe tâm thần; chưa có các dịch vụ trị liệu tâm lý, sàng lọc, chẩn đoán đối với người bệnh… Số người tâm thần có xu hướng gia tăng, người đã bị mắc bệnh tâm thần không được phục hồi, sàng lọc nên ngày càng nặng hơn.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho hay, nhiều năm qua, ngành bảo trợ xã hội xác định những trường hợp có hành vi nguy hiểm phải đưa hết vào các trung tâm để chăm sóc, phục hồi chức năng. Trong đó, những trường hợp đặc biệt nặng, có hành vi nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng phải đưa vào chăm sóc, phục hồi tại trung tâm bảo trợ xã hội.

Theo ông Hồi, thủ tục để đưa người mắc bệnh tâm thần vào các trung tâm không có gì khó khăn. “Toàn quốc hiện tỉnh nào cũng có trung tâm bảo trợ xã hội. Riêng trung tâm chuyên sâu có khoảng 50 trung tâm, phân bố đều khắp vùng miền. Một số tỉnh, thành chưa có sẽ đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, trong đó có phân khu chức năng để chăm sóc cho người tâm thần. Công suất phục vụ của 50 trung tâm hiện nay là 13.000 người” - ông Hồi nói.

Bà Phạm Thị Hải Hà - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - cho biết, để được nhận vào Trung tâm bảo trợ xã hội, sẽ có hội đồng cấp xã chứng nhận khuyết tật cho người bệnh. “Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm đều quá tải. Cục cũng đang làm lại quy hoạch vì đang thiếu trầm trọng bác sĩ trong các trung tâm, chủ yếu nuôi dưỡng chứ không chăm sóc, điều trị. Cơ sở vật chất của các trung tâm cũng quá xuống cấp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ hiện có.

Thứ hai là ký kết với Bộ Y tế việc phối hợp liên ngành. Các tỉnh sẽ ký kết cấp sở. Trung tâm tâm thần trên địa bàn tỉnh nào thì sẽ có đề nghị bệnh viện tâm thần tỉnh đó có hỗ trợ trong quá trình điều trị, theo dõi bệnh nhân tâm thần. Với bệnh nhân nặng, bác sĩ sẽ thường xuyên qua lại, định kỳ thăm khám” - bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, việc phối hợp liên ngành ở cấp tỉnh còn yếu, “phụ thuộc quan hệ cá nhân là chính”. Điều trị chuyên sâu chưa có. Gánh nặng cho ngành bảo trợ xã hội lớn trong khi đãi ngộ cho nhân lực ngành này quá thấp. Cũng vì thế, Cục Bảo trợ xã hội đã đề xuất đưa ngành bảo trợ xã hội vào danh mục nghề nghiệp độc hại để có thêm hỗ trợ cho nhân lực ngành này. “Bác sĩ tâm thần đã độc hại, người nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân tâm thần là quá độc hại, chế độ lại thấp hơn chế độ y bác sĩ” - bà Hà nhấn mạnh.

Bà Hà khuyến cáo các gia đình có người nhà bị bệnh tâm thần phải theo dõi sát, nếu có biểu hiện nguy hiểm cho gia đình và xã hội phải báo luôn với chính quyền cấp xã để có sự phối hợp với cơ sở y tế, cách ly điều trị. Với bệnh nhân tâm thần, nếu ổn định và được đưa về cộng đồng là tốt nhất. Nếu chưa ổn thì đưa về các trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần.

Theo Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển, năm 2019, tại 10 tỉnh thành phố có đối tượng tâm thần được chăm sóc nuôi dưỡng tập trung (7.155) thì trong vòng 9 năm qua, có 1.441 người đã ổn định và tái hòa nhập cộng đồng, đạt tỉ lệ 20%. Đây là một kết quả đáng khích lệ, mở ra xu hướng tăng cường điều trị luân phiên cho người tâm thần ở các mức độ khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn