MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CSGT dừng xe xử phạt một trường hợp người dân vi phạm an toàn giao thông. Ảnh: T.Niên

Chấn chỉnh thái độ của cán bộ, công chức với người dân

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 05/10/2017 06:30
Hình ảnh cán bộ xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) - ông Lê Tấn Thịnh - được cho là Trưởng Công an xã có hành vi đá bay vật dụng người dân hôm 3.10 khiến cộng đồng mạng không đồng tình. 

Những việc làm tương tự sẽ bị coi là hành vi cấm khi Thông tư 27/2017/TT-BCA có hiệu lực từ 6.10 tới đây. Cùng lúc, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã phải đưa ra văn bản lấy ý kiến người dân để chấn chỉnh thái độ chưa đúng mực của một bộ phận cán bộ, công chức.

Bức xúc cũng không được dọa nạt dân

Trao đổi với Lao Động sáng 4.10, ông Lê Tấn Thịnh - Trưởng công an xã Quảng Điền (huyện Krông Ana xác nhận, video chia sẻ trên mạng về việc ông hành động đá vật dụng buôn bán của người dân tại chợ Điện Bàn thuộc xã Quảng Điện, huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) - là đúng.

Ông Thịnh giải thích: “Thời gian qua, tình hình an toàn giao thông tại khu vực chợ Điện Bàn diễn ra phức tạp. Nhiều người dân buôn bán dọc lòng lề đường gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Chưa kể, hằng ngày khu vực này có đông em nhỏ đi học qua lại, rất nguy hiểm, nhất là khi có ôtô lớn chạy qua.

Vì vậy, hơn một tháng nay, chúng tôi thường xuyên tổ chức đoàn liên ngành ra quân, tuyên truyền nhắc nhở người dân không buôn bán dọc lề đường nhưng có một số người dân không chấp hành.

Sự việc trong video đã chia sẻ là xảy ra vào sáng hôm qua (3.10), quá trình đoàn liên ngành ra quân dọn dẹp lòng lề đường, một số người có lời lẽ quá khích, thậm chí hăm dọa, chửi bới nên tôi mới có hành động như video đã quay lại”.

Việc cán bộ, trong đó có những cán bộ trong lực lượng giữ gìn an ninh - trật tự có thái độ chưa đúng mực với dân không phải hiếm. Hồi tháng 3 vụ việc Trưởng công an xã Phong Xuân ở Thừa Thiên- Huế đánh dân nhập viện gây xôn xao. Sau đó, nhờ hòa giải, trưởng công an xã phải bồi thường dân khoản tiền 53.861.000 đồng.

Ở góc độ luật pháp, trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Tiến Mạnh - Giám đốc Cty Luật TNHH Hồng Long, Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng trong việc trưởng công an xã đá bay vật dụng người dân thì “cần phân tích kỹ, nếu thực hiện theo kế hoạch, chủ trương của chính quyền địa phương thì cần phải có thành phần tham gia, đồng thời phải thực hiện đúng chức trách trong thi hành công vụ.

Tức là tuân thủ về trình tự, thủ tục pháp luật quy định về dẹp lòng lề đường, nếu làm sai thì bị xử lý kỷ luật do đã thực thi công vụ trái pháp luật. Còn nếu không có kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền mà tự ý đi thực hiện hành vi nêu trên thì cần phải định giá thiệt hại về tài sản, nếu giá trị thiệt hại từ đủ 2 triệu đồng trở lên thì cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án hình sự. Vì nguyên tắc trong Nhà nước pháp quyền là cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.

Cán bộ UBND phường Trung Hòa (Hà Nội) giải đáp thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Loại bỏ công chức hách dịch với dân

Cùng thời điểm này, Hà Nội đưa ra dự thảo về “Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP.Hà Nội”. Đây được cho là là quy định tiếp nối “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP.Hà Nội”, đồng thời cũng là một trong những biện pháp siết chặt kỷ cương hành chính.

Đầu tháng 8, làm việc với Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương làm trưởng đoàn, Chủ tịch UBND TPHN Nguyễn Đức Chung thừa nhận: “Ngoài những kết quả TP đã đạt được trong CCHC, chúng tôi đều nhận thức được điểm yếu nhất trong việc thực hiện CCHC của TP hiện nay là trình độ, thái độ, tác phong của một số người đứng đầu, cán bộ, chuyên viên tại BPMC của cấp phường, xã vẫn còn hạn chế, thậm chí còn yếu kém và hách dịch.

Đây là những cán bộ, chuyên viên trực tiếp thụ lý hồ sơ, giao tiếp với dân nên vô hình trung đã tạo ra hình ảnh không tốt trong mắt người dân. Tới đây, TP sẽ tập trung chấn chỉnh tác phong, thái độ của đội ngũ này và xử lý nghiêm vi phạm”.

Theo dự thảo, ngoài việc đưa ra các yêu cầu về sự thân thiện, chân thành, cư xử lịch thiệp, thông cảm, chia sẻ… trong quá trình xử lý công việc, tiếp dân, cán bộ công chức, viên chức Hà Nội cũng cần phải có tác phong tự tin, đúng mực, phù hợp quy tắc ứng xử: “Khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc phải bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, động viên, chia sẻ. Tuyệt đối không nóng giận, xúc phạm hay dùng vũ lực đối với người khác, trừ trường hợp được luật pháp cho phép”.

Lãnh đạo Hà Nội tin rằng việc đưa ra hàng loạt các quy định sẽ khiến người dân tin tưởng, gần gũi với lực lượng công chức hơn. 

Trung tá Mạc Đình Thắng - Trưởng Công an phường Dịch Vọng Hậu - chia sẻ: Đơn vị luôn xác định và thực hiện tốt vai trò phát huy sức dân, dựa vào nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ từng tổ CSHS, CSTT, CSKV trong quá trình làm nhiệm vụ phải thường xuyên lắng nghe, trân trọng những góp ý, nhận xét, cả phê bình của người dân, cán bộ cơ sở, để thêm hoàn thiện.

Bà Vũ Thanh Liễu - Phó Giám đốc TT Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho rằng, quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, người lao động là cần thiết. Bởi điều này sẽ giúp hình ảnh của những người phục vụ, thường xuyên giao tiếp với nhân dân phải chú trọng, tuân thủ.

TS Nguyễn Ánh Hồng -Trưởng Khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Mỗi cá nhân khi phát ngôn trên bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng nào, kể cả truyền thông mạng cũng đều phải có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân với mỗi phát ngôn của mình.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho rằng, những quy định này đang là dự thảo để lấy ý kiến nhân dân, ý kiến cộng đồng. Trong thời gian này chúng tôi sẽ tập hợp và tiếp thu các ý kiến đóng góp để bộ quy tắc được hoàn thiện hơn, tạo nên hình ảnh người cán bộ gần gũi trước nhân dân. VƯƠNG TRẦN - CAO NGUYÊN ghi

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn