MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cục Hàng không sẽ chấn chỉnh nghiêm quảng cáo sai phép đào tạo phi công. Ảnh: VNA

Chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai phép đào tạo phi công

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 29/09/2021 06:00

Sự việc một đơn vị tuyển sinh học viên phi công cho trường bay của nước ngoài bị cảnh cáo một lần nữa cho thấy cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chấn chỉnh các biến tướng trong việc liên kết tuyển dụng, đào tạo. Bên cạnh đó, viễn cảnh hiện thực hóa giấc mơ đào tạo phi công trong nước cũng vẫn còn là những trăn trở lớn của ngành Hàng không Việt.

Nhiều trăn trở đào tạo phi công  

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về việc một doanh nghiệp đã có hành vi quảng cáo sai phép huấn luyện chương trình lý thuyết “Phi công vận tải hàng không” (Airlines Transpot Pilot -ATP) online. Cụ thể, Công ty Venture Aviation chưa được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn là Trung tâm huấn luyện lý thuyết ATP theo quy định của Bộ Quy chế hàng không Việt Nam nhưng đã có nhiều quảng cáo không rõ ràng, gây ra sự lập lờ với người dân. Thực chất, giấy chứng nhận phê chuẩn đủ điều kiện đào tạo bay được cấp cho đối tác của Venture Aviation là trường bay Apex Flight Academy tại Đài Loan (Trung Quốc). 

Một doanh nghiệp liên kết tuyển sinh đào tạo bị cảnh báo nhưng một lần nữa cho thấy vấn đề đào tạo phi công ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, giấc mơ đào tạo phi công trong nước là nỗi trăn trở lớn đối với nhiều tổ chức hàng không hiện nay. Việt Nam mới chỉ có 2 trung tâm đào tạo bay được cấp phép là Trường Phi công Bay Việt và Trung tâm Huấn luyện bay của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Dù vậy, các trường bay Việt Nam cũng chỉ dạy một phần lý thuyết, còn về thực hành vẫn phải kết hợp với các trường đào tạo phi công ở nước ngoài (như ở Mỹ, Australia, New Zealand, Châu Âu).

Tại trường phi công Bay Việt, đơn vị được tổ chức huấn luyện phi công cơ bản với một số giai đoạn đào tạo trong nước. Số học viên do Bay Việt đào tạo khoảng 100 người/năm. Và con số chi phí để đào tạo phi công cũng không hề rẻ. Học viên phi công của Bay Việt sẽ tiêu tốn khoảng 1,8 tỉ đồng trong khoảng thời gian 18 - 20 tháng. Giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài chiếm nhiều chi phí nhất khoảng 57.000 - 65.000USD (1,3 - 1,6 tỉ đồng). Học phí của giai đoạn huấn luyện lý thuyết là 134 triệu đồng, còn huấn luyện phối hợp tổ bay từ 99 triệu đồng.

Bên cạnh đó, những tranh cãi tuyển dụng phi công giữa các hàng cũng là vấn đề tồn tại nhiều năm qua. Còn nhớ vào năm 2019, một lãnh đạo của ​​Vietnam Airlines từng cho biết, để đào tạo 1 phi công lái chính Airbus A320, A321 cần ít nhất 3 - 4 năm đào tạo cơ bản, với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác này kéo dài tới 7 - 8 năm. Thế nhưng từ khi thị trường có sự tham gia của nhiều hãng hàng không, Vietnam Airlines phải đối diện với nguy cơ chảy máu chất xám do các doanh nghiệp mới sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút, tuyển dụng phi công của đơn vị này. 

Theo Cục Hàng không Việt Nam ước tính, số máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ tăng từ hơn 200 chiếc hiện tại lên khoảng hơn 360 chiếc vào năm 2023. Hãng Boeing tính toán với mỗi tàu bay mới cần khoảng 14 phi công để khai thác, Việt Nam sẽ cần thêm hơn 1.900 phi công đến năm 2023, tương đương hơn 400 phi công mỗi năm.

Cục Hàng không sẽ chấn chỉnh nghiêm

Liên quan đến việc Công ty Venture Aviation bị cảnh báo quảng cáo đào tạo sai phép, trao đổi với PV Báo Lao Động ngày 28.9, ông Hồ Minh Tấn - Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết trong quá trình xử lý vụ việc này, Cục hàng không Việt Nam không làm việc với Venture Aviation bởi đây không phải đơn vị được Cục cấp phép. Cơ quan chức năng chỉ làm việc với Apex Flight Academy và yêu cầu trường bay này có báo cáo. 

"Thực ra đây là họ quảng cáo trên mạng xã hội và một số doanh nghiệp, cá nhân thấy vậy đã phản ánh nên Cục đưa cảnh báo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chấn chỉnh nghiêm vấn đề này. Những đơn vị quảng cáo sai, không đúng sự thật về các chương trình huấn luyện bay, Cục hàng không Việt Nam sẽ có trách nhiệm cảnh báo để các cá nhân, tổ chức không bị hiểu sai về những quảng cáo này" - ông Hồ Minh Tấn cho biết. 

Về câu chuyện đào tạo phi công trong nước, phía Cục hàng không cho biết hiện các cơ sở đào tạo phi công tại Việt Nam chưa đủ điều kiện để đào tạo độc lập và cần có sự hợp tác với các đơn vị đào tạo ở nước ngoài. Nguyên nhân bởi trong chính sách đào tạo nhân lực hàng không vẫn còn có những bất cập. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn