MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu tham dự phiên 1 tọa đàm trong chương trình Hội thảo "Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển". Ảnh: Ngọc Thùy

Chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển Kiểm toán Nhà nước

NGỌC THÙY LDO | 03/07/2024 11:04

Sáng 3.7, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Kiểm toán Nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển”, là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, hướng tới 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (11.7.1994 - 11.7.2024).

“Chuyên nghiệp - Liêm chính - Hội nhập”

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; các lãnh đạo Kiểm toán nhà nước qua các thời kỳ; Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Trung ương và địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh, quá trình 30 năm xây dựng và trưởng thành, với phương châm “Chuyên nghiệp - Liêm chính - Hội nhập”, KTNN luôn hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.

Đồng thời luôn đổi mới, sáng tạo để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; góp phần quan trọng vào sự minh bạch, phát triển bền vững nền tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, hoàn thiện thể chế của đất nước.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận những đóng góp của ngành kiểm toán trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, KTNN luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chào mừng hội thảo.

KTNN ngày càng khẳng định là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công… cung cấp thông tin xác thực, có chất lượng, giúp Quốc hội có thêm căn cứ quan trọng để xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các kết quả kiểm toán của KTNN đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém; kết quả kiểm toán cũng phát hiện nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia.

Quang cảnh hội thảo.

“Từ một cơ quan chưa có tổ chức tiền thân và tiền lệ về hoạt động, được thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán, cho đến nay, KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định vị thế là cơ quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Hoạt động KTNN đã được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước và hơn 35 Bộ luật, luật khác”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

3 trụ cột phát triển về khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ

Còn theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, qua 30 năm hình thành và phát triển đã đánh dấu một chặng đường phát triển vượt bậc của KTNN. Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý gần 740.000 tỉ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) chiếm tỉ trọng trên 40%.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí.

Đồng thời đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Luật NSNN, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội...

Các đại biểu tham gia nghiên cứu tài liệu hội thảo.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn đánh giá, chặng đường phía trước tiếp tục đặt ra những thách thức, những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đặt ra, trước mắt là mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.

Ông Ngô Văn Tuấn khẳng định, sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cơ sở 3 trụ cột phát triển về khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ; kế thừa và phát huy truyền thống quý báu 30 năm xây dựng và phát triển; xây dựng văn hóa KTNN "Kỷ cương - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Hiện đại"; tiếp tục kiên định với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ” nhằm đạt mục tiêu “Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”; hướng tới vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững.

Sau khai mạc, Hội thảo sẽ được tổ chức thành 2 phiên với 4 tọa đàm. Trong đó, phiên 1 với chủ đề “Hành trình 30 năm hình thành và phát triển của Kiểm toán nhà nước” với các tọa đàm “Những dấu ấn trong hình thành hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán nhà nước”, “Những mốc son tự hào trong xây dựng, phát triển tổ chức bộ máy, quy định chuyên môn”.

Phiên 2 với chủ đề “Kiểm toán nhà nước - Vững bước hiện tại, tiến bước tương lai” với các tọa đàm “Kiểm toán nhà nước: Những dấu ấn hôm nay”, “Kỳ vọng và định hướng tương lai đáp ứng yêu cầu đổi mới” và một số tham luận liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn