MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bé trai 8 tuổi ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) dùng tiền ba mẹ cho tổ chức sinh nhật mình để ủng hộ các cô chú chống dịch COVID -19

Chàng trai Tây cảm phục việc người dân tặng quà chiến sĩ chống COVID-19

Hoàng Văn Minh LDO | 08/04/2020 07:30

Alex vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh một người dân mang nước chanh đá và ít trái cây ướp lạnh làm quà cho các chiến sĩ ở trạm gác đường lên rừng Sơn Trà chống nắng. Alex há hốc mồm bảo “không tin được” khi nghe tôi kể về những  chuyện thiện nguyện chống dịch COVID-19 giờ đã thành “cơm bữa” trên đất nước mình.

Alex là người Úc, giáo viên dạy tiếng Anh, là “con rể” của Đà Nẵng được hơn 2 năm nay. Gia đình của Alex sống ở khu vực gần Sơn Trà. Hôm nọ, Alex đi bộ lang thang cho đỡ cuồng chân trong những ngày “cách ly toàn xã hội”. Và anh chứng kiến cảnh một phụ nữ tạt ngang, dừng xe máy ngang trạm chắn đường lên Sơn Trà để gửi cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đây một bịch chanh đá và trái cây ướp lạnh rồi quay đầu xe đi về.

Alex tò mò lắm. Anh vẫy tay chặn xe người phụ nữ để hỏi chuyện. Alex hỏi: “vì sao bà lại đưa thức ăn, nước uống cho những người đang làm nhiệm vụ ở đây?”. Và câu trả lời là “không sao cả, tui thấy mấy chú làm nhiệm vụ vất vả giữa ngày nắng nóng, thấy tội nên gửi họ ít thức ăn để động viên thôi”.

Alex không tin. Alex hỏi: “trong số những người đang làm nhiệm vụ trên đó có ai là người thân của bà không?”. Câu trả lời là “không có ai thân thích chi cả”.  Alex hỏi tiếp: “Thế bà làm nghề gì?”. Trả lời: “Bán tạp hóa”. “Thế bán tạp hóa bà có phải đóng thuế không?”. “Tất nhiên là có!”.

Nghe xong Alex gãi đầu bối rối. Bảo: “ở nước tôi và nhiều nước khác, người dân, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế thì chỉ có việc kiểm soát chính quyền xem tiền thuế của mình được chi tiêu có hợp lý không thôi. Và gần như không có chuyện giúp đỡ, tặng đồ ăn vì thấy tội những người đang làm nhiệm vụ được Nhà nước trả lương như thế này…”.

Tôi nói với Alex, rằng những gì anh vừa chứng kiến ở cửa rừng Sơn Trà chỉ là hạt cát giữa sa mạc mênh mông những việc thiện nguyện mà người dân thành phố Đà Nẵng, người dân cả đất nước Việt Nam đã và đang làm, chia sẻ, đùm bọc nhau… trong mùa dịch COVID-19.

Tôi kể cho Alex nghe chuyện một bé trai 8 tuổi ở quận Hải Châu, Đà Nẵng đã tự nguyện dành số tiền 1 triệu đồng mà ba mẹ cho để tổ chức sinh nhật để ủng hộ các cô, chú trên mặt trận chống dịch COVID-19 của thành phố.

Chuyện một bà mẹ Việt Nam Anh hùng năm nay đã 91 tuổi, cũng ở quận Hải Châu, Đà Nẵng đã dành số tiền 5 triệu đồng tích cóp bấy lâu của mình để ủng hộ chính quyền địa phương chống dịch với lý lẽ nghe muốn khóc: “Lâu nay mẹ được Đảng, Nhà nước chăm lo nhiều, giúp đỡ, trợ cấp hằng tháng. Nay đất nước khó khăn, tôi tuổi cao sức yếu, không thể giúp sức được nên chỉ có thể ủng hộ chút kinh phí, cùng đất nước chống dịch, không có gì đáng kể”.

Chuyện mấy hôm nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã góp tiền mua gạo, mì tôm, thực phẩm, khẩu trang, thuốc, vitamin C, mùng mền, gối chăn… tặng cho các y bác sĩ các bệnh viện và người nghèo ở hội người mù, bán vé số; người khuyết tật, thương bệnh binh; công nhân công ty vệ sinh môi trường thành phố.

Chuyện ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam và rất nhiều địa phương khác trên cả nước, những mẹ, những chị, những em... đã tình nguyện đến các khu cách ly tập trung để giúp bộ đội nấu cơm cho đồng bào mình đang bị cách ly với tâm trạng vui tươi, hồ hởi như đi hội…

Còn nhiều lắm, nhiều lắm những câu chuyện rưng rưng trong mùa dịch về sự tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều… mà tôi một lúc không nhớ hết, không thể kể hết cho Alex nghe.

Những gì mà Alex được thấy, được nghe, sẽ còn được thấy, được nghe trong mùa dịch COVID-19 năm nay ở Đà Nẵng, ở Việt Nam không phải là chuyện giờ mới có mà đã trở thành truyền thống, đến hẹn lại lên mỗi khi đất nước có thiên tai, địch họa…

Alex nghe xong im lặng ngẫm nghĩ. Một lát anh bảo: “Ở Úc đất nước tôi và nhiều đất nước khác mà tôi đi qua, gần như rất ít chuyện như thế này bởi làm thiện nguyện là việc được mặc định cho những người giàu hàng tỷ phú. Còn ở Đà Nẵng và Việt Nam, tôi không biết nói thế nào. Có lẽ đây là nét đẹp của một dân tộc, nét đẹp của người Việt…”

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn