MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chấp nhận “luật ngầm”, người bán vé số dạo nuốt nước mắt khi tới 16 giờ

PHONG LINH - TẠ QUANG LDO | 29/07/2023 16:25

Hầu hết ở các tỉnh, thành miền Tây, để được nhận vé số bán hàng ngày kiếm sống, những người bán vé số dạo phải chấp nhận “luật ngầm” của các đại lý là không trả lại vé số bán không hết trong ngày.

Giọt nước mắt 16 giờ

“Khoảng 15 giờ, lòng tôi lại xốn xang, đến 16 giờ là rưng rưng rồi…” - đó là lời tâm sự của bà Nguyễn Kiến Hoa (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) khi rơi trạng thái “ôm vé số”.

Theo bà Hoa, từ khi các đại lý triển khai “luật ngầm” không cho người bán dạo trả lại vé số ế thì cũng là lúc bà và những người bán vé số dạo rơi vào cảnh khổ.

This browser does not support the video element.

“Liên tiếp mấy ngày qua, ngày nào tôi cũng còn trên dưới 10 tờ không bán được, đại lý thì không cho trả vé. Ngày nào sang tay lại được thì mừng, còn không thì phải ôm, công sức bỏ ra một ngày coi như mất trắng. Có hôm phải nhịn đói đi bán mà vẫn không đủ tiền đóng trọ” - bà Hoa nói.

Bà Hoa (bên trái) ngóng khách mua vé số. Ảnh: Tạ Quang
Những tờ vé số còn sót lại lúc 16 giờ. Ảnh: Tạ Quang

4 năm bán vé số dạo là khoảng thời gian bà Hoa duy trì cuộc sống trên mảnh đất Tây Đô. Những ngày nắng, từ gác trọ ọp ẹp ở phường Cái Khế, người phụ nữ ngoài 50 tuổi có thể đi xa vài chục cây số để “bán công làm lời”. Được dịp lễ, Tết, bà con ra đường nhiều, bà bán hết 200 tờ và kiếm được 200.000 đồng sống qua ngày.

Những ngày cuối tháng 7, mưa trắng trời ở miền Tây, hàng quán thưa thớt nên vé số của bà Hoa không đến được “tay chủ”. Lần gần nhất, đứng ở mép đường Cách Mạng Tháng 8, bà đổ lệ khi phải “ôm” 15 tờ vé số ế, bay mất 150.000 đồng.

Chung tình cảnh với bà Hoa, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (63 tuổi, TP Cần Thơ) cũng không không ít lần lâm cảnh ôm vé số lúc 16 giờ. Bà Nga tâm sự, nghề bán vé số dạo không chỉ cực nhọc mà còn phải chịu tủi nhục, thậm chí bị khách từ chối và chửi thẳng vào mặt vì làm phiền.

“Có hôm, gần tới giờ xổ số, tôi ôm xấp vé, vừa khóc vừa chạy khắp nơi để năn nỉ người ta mua” - bà Nga nói.

Vén màn "luật ngầm"

Hiện nay, xổ số kiến thiết ở khu vực miền Nam gồm 21 tỉnh, thành và các công ty có thị trường phát hành qua lại lẫn nhau, chẳng hạn, vé số Vĩnh Long được bán ở Cần Thơ và ngược lại. Các công ty phát hành (bán vé) và mở thưởng 1 kỳ/tuần (riêng TPHCM 2 kỳ/tuần).

Người bán dạo và đại lý chịu "luật ngầm", thà mất tiền chứ không để mất vé số. Ảnh: Tạ Quang

Về cơ bản, vé số được in xong sẽ chuyển về đại lý cấp 1, nơi bị “ràng buộc” về chỉ tiêu, doanh số tiêu thụ. Kế đến là đại lý cấp 2, đại lý cấp 3, cấp 4,…những người bán dạo sẽ nhận vé số từ những đại lý này, rong ruổi khắp nơi buôn bán.

Một chủ đại lý trên địa bàn quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết: Thực ra, không có quy định buộc người bán vé số dạo và đại lý không được trả vé số ế cho công ty. Nhưng có một "luật ngầm" là nếu đại lý nào trả vé thì sẽ bị công ty cắt vé chuyển cho đại lý khác.

Kết quả là trong bối cảnh cạnh tranh, người bán dạo và đại lý cấp dưới phải chịu luật chơi, tức thà mất tiền chứ không để mất vé số ở những kỳ phát hành tiếp theo.

Người bán vé số dạo đóng góp rất lớn vào lợi nhuận của các công ty xổ số nhưng cuộc sống của họ lại bấp bênh. Ảnh: Tạ Quang

Theo thống kê của xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, 6 tháng đầu năm 2023, doanh số phát hành xổ số truyền thống đạt 69.920 tỉ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu đạt 68.843 tỉ đồng.

Tại Hội nghị xổ số kiến thiết khu vực miền Nam lần thứ 130 (tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 24.7), ông Đỗ Quang Vinh - Chủ tịch Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam - cho biết, dù xổ số đang ở thời kỳ thuận lợi nhất, tuy nhiên đã xuất hiện yếu tố có thể làm mất ổn định. Có chuyện đại lý tăng giá vé, không cho trả vé ế. Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam đã có công văn chấn chỉnh.

Người bán vé số dạo tràn ra đường dễ gây mất trật tự giao thông. Ảnh: Tạ Quang

Cũng do có chuyện đại lý cấp 1, cấp 2 không cho người bán dạo trả lại vé ế nên tại TP Cần Thơ, khoảng 15 - 16 giờ, người bán dạo tràn xuống lề đường mời khách, gây mất an toàn giao thông.

Ông Mai Minh Ngoan, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ thông tin đã nắm được tình hình và đang lên kế hoạch phối hợp chấn chỉnh việc này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn