MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Chấp thuận cho Hà Nội sẽ được tự tăng mức phí, bổ sung loại phí mới

Chung Nguyên Vương LDO | 19/06/2020 11:00
Sáng 19.6, với hơn 91,51% số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Nghị quyết gồm 6 điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính.

Đối tượng áp dụng của Nghị quyết là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.8.2020 và được thực hiện trong 5 năm.

Kết quả biểu quyết thông qua cơ chế đặc thù cho Hà Nội 

Trước khi đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012; việc ban hành Nghị quyết có thể dẫn đến tạo tiền lệ cho các địa phương đều mong muốn có “cơ chế đặc thù”.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội là xác đáng.

Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Luật Thủ đô cho thấy đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới cần xử lý mà Luật Thủ đô chưa bao quát hết. Theo dự kiến, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí; đề nghị quy định mức trần thu phí và kiến nghị không nên bổ sung phí, lệ phí tòa án.

Về vấn đề này, ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại Điều 17 của Luật Phí và lệ phí năm 2015, thẩm quyền bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương lần thứ 6, khóa XII, xin Quốc hội cho phép thí điểm giao hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thực hiện quyền hạn này như quy định tại dự thảo Nghị quyết đã trình Quốc hội. Quy định này cũng tương thích với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Về đề nghị quy định mức trần thu phí và kiến nghị không nên bổ sung phí, lệ phí tòa án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không quy định mức trần thu phí, mà nên cho phép HĐND Thành phố được quyền quyết định  mức thu cụ thể, phù hợp với thực tế nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý và điều hành.

Tuy nhiên, thành phố Hà Nội không được quyết định đối với các khoản phí do ngân sách trung ương hưởng 100%, vì đây là các khoản phí do cơ quan Trung ương trực tiếp thu. Như vậy, các khoản phí loại trừ đã bao gồm phí Tòa án.

Trước đó, Chính phủ trình Quốc hội thí điểm giao HĐND thành phố Hà Nội quyết định việc thu phí. Theo đó, HĐND thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn: (i) Thu một số khoản phí chưa được quy định trong Danh mục Luật Phí, lệ phí; (ii) Tăng mức hoặc tỉ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%). Các khoản thu tăng thêm này, ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn