MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh cãi xung quanh giá túi dứa vừa diễn ra tại Hà Nội. Ảnh chụp clip trên MXH

Chặt chém: Lợi nhỏ - hại lớn

Minh Quang LDO | 02/05/2024 08:18

Một clip được đưa lên mạng xã hội với nội dung bà bán dứa ở Hà Nội “chặt chém” khách du lịch với giá 500.000 đồng/túi.

Cho đến hôm qua, Công an quận Hoàn Kiếm cũng đã chính thức khẳng định thông tin hàng rong bán 3 quả dứa với giá 500.000 đồng là không chính xác. Theo cơ quan chức năng, bà bán dứa đã gọt sẵn dứa vào túi ni lông và bán 50.000 đồng/túi. Hai nữ du khách trả 500.000 đồng và bà bán dứa trả lại 450.000 đồng tiền thừa.

Chuyện có thể không ầm ĩ nếu hai vị khách kia sau khi cầm tiền thừa có ý định lấy thêm 2 quả chưa gọt.

Clip được đưa lên mạng và nhận nhiều bình phẩm, do thiếu thông tin nên nhiều người nghĩ rằng, bà bán dứa đã cố tình “chặt chém”. Tuy được “minh oan” nhưng bà bán dứa vẫn phải chịu phạt hành chính vì vi phạm quy định bán hàng rong.

Rõ ràng, nếu thông tin trên không được làm rõ thì người tham gia mạng xã hội sẽ có cái nhìn không thiện cảm với những người bán hàng rong hiện nay.

Trên thực tế, cũng chẳng phải đâu xa, ngay cuối tháng 3.2024, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đã làm việc và xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong và không niêm yết giá đối với người bán hàng rong có ý định bán túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng. Làm việc với Công an, người bán táo đã thừa nhận hành vi ứng xử của mình là không đúng, đồng thời, bày tỏ sự hối hận và xin lỗi vì đã tạo hình ảnh không đẹp về Thủ đô Hà Nội đối với du khách nước ngoài.

Trước đó, cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm cũng đã xử phạt người bán hàng rong tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm có hành vi “chặt chém” du khách tại hồ Hoàn Kiếm khi bán 4 chiếc bánh rán với giá 50.000 đồng cho 2 vị khách nước ngoài.

Nghĩa là đâu đó, vẫn còn tình trạng “chặt chém”, đặc biệt với khách nước ngoài khi mua hàng ở gánh hàng rong hay đi taxi. Đây là việc làm chỉ là của một bộ phận, con sâu làm rầu nồi canh khi người bán hàng chưa nhận thức hết về trách nhiệm xã hội và trách nhiệm về mặt pháp luật khi tham gia vào thị trường du lịch.

Số tiền thu lợi từ chặt chém có thể là không quá lớn nhưng hoàn toàn có thể gây thiệt hại cho ngành du lịch, đặc biệt trên không gian mạng hiện nay.

Điều đáng mừng là chính quyền, cơ quan chức năng cũng đã có những biện pháp khẩn trương hạn chế tình trạng này. Trong suốt dịp nghỉ lễ dài vừa qua, lời phàn nàn, tố cáo bị chặt chém ở các tụ điểm du lịch nổi tiếng ngày càng ít, thậm chí không còn bởi các chủ quán đã được tuyên truyền về việc niêm yết giá và sẽ bị phạt nặng khi cố tình “chặt chém”. Bản thân chủ nhà hàng cũng hiểu rằng một khi ham lợi nhỏ, nguy cơ bị “bóc phốt”, “tẩy chay” hoàn toàn có thể dẫn đến khả năng sạt nghiệp, phá sản.

Ở đây còn là câu chuyện trách nhiệm của người đưa tin lên mạng xã hội, cần tìm hiểu chính xác câu chuyện, nếu không, người tung tin sai sự thật mới chính là người đáng lên án và họ cũng là người góp sức làm thiệt hại tới ngành du lịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn