MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Giám đốc phụ trách Công ty Thủy lợi nam Hà Tĩnh - đơn vị quản lý, vận hành xả lũ hồ Kẻ Gỗ trả lời tại cuộc họp báo. Ảnh: Trần Tuấn.

Chất vấn "nóng" việc xả lũ của hồ Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh

TRẦN TUẤN LDO | 24/10/2020 12:02
Sáng 24.10, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo thông tin một số nội dung liên quan đến tình hình thiên tai, ứng phó với mưa lũ từ 18 – 21.10. Theo thông tin ban đầu, Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng nề, trong đó có 6 người chết.

Thiệt hại lớn

Theo báo cáo, do mưa lớn, Hà Tĩnh có 118 xã, phường, thị trấn với 42.456 hộ/151.288 người của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt lũ. Toàn tỉnh đã tổ chức sơ tán 18.771 hộ/ 59.268 người.

Mưa lũ đã khiến 6 người chết; tài sản của nhân dân các xã bị ngập sâu gồm nhà cửa, các đồ dùng gia đình, vật dụng, lương thực, gia súc, gia cầm thiệt hại nặng.

Có 132ha lúa mùa, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu; 2.317 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại; 40 trạm y tế, 1 bệnh viện bị ngập lụt, hư hỏng nghiêm trọng nhiều hóa chất, thuốc men, trang thiết bị...

Báo cáo cũng thông tin về việc điều tiết xả lũ của hồ Kẻ Gỗ trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo đó, tổng lượng mưa tại hồ Kẻ Gỗ từ 7h ngày 15.10 đến 7h ngày 21.10 là 1.249 mm; tổng lượng nước đến 280 triệu m3; lưu lượng nước đến hồ lớn nhất 2.539m3/s (đạt lúc 4h ngày 19.10.

Diễn biến mực nước hồ Kẻ Gỗ: Lúc 7h ngày 15 là (+25,80m), thấp hơn ngưỡng tràn xả lũ 0,7m (ngưỡng tràn xả lũ hồ Kẻ Gỗ là 26,5); lúc 6h ngày 17 là (+26,62m) cao hơn ngưỡng tràn xả lũ 0,12m; lúc 6h ngày 18 là (+29,13m) cao hơn ngưỡng tràn xả lũ 2,63m (trong vòng 24 giờ mực nước hồ tăng lên 2,51m); mực nước hồ tại thời điểm mở tràn 13h ngày 18 là (+30,70m) tương đương bằng 293,20 triệu m3; mực nước tại thời điểm cao nhất (lúc 11h30’ ngày 19) trong quá trình xả lũ (+33,80m) tương đương bằng 384 triệu m3.

Thông tin thời gian điều tiết xả lũ ở hồ Kẻ Gỗ trong những ngày qua. Ảnh: TT.

Hồ xả lũ bắt đầu từ 13h ngày 18.10 với lưu lượng tăng dần từ 50m3/s lên 200m3/s và lưu lượng xả lớn nhất 1.060 m3/s (bằng 41,7% lưu lượng đỉnh lũ là 2.539m3/s) và mức xả này chỉ duy trì trong thời gian 1 giờ (từ 9h00 đến 10h ngày 19) sau đó giảm dần. Như vậy trong quá trình điều tiết vừa qua, hồ Kẻ Gỗ đã tham gia chậm lũ cho hạ du với dung tích khoảng 200 triệu m3. Hiện lúc 21h ngày 23.10 hồ xả với lưu lượng 150m3/s không ảnh hưởng đến hạ du.

Chất vấn "nóng" xả lũ của hồ Kẻ Gỗ

Tại cuộc họp báo, rất nhiều phóng viên đặt câu hỏi về quy trình xả lũ, điều tiết của hồ Kẻ Gỗ, việc thông báo xả lũ điều tiết không đến được với nhân dân vùng hạ du.

Ông Nguyễn Bá Đức - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: TT.

Ông Nguyễn Bá Đức - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh thông tin, hồ Kẻ Gỗ có 3 chức năng, nhiệm vụ là cấp nước cho nông nghiệp, điều tiết cắt lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn công trình hồ đập. Trong việc xả lũ đợt này, ông Đức cho rằng, hồ Kẻ Gỗ đã thực hiện nhiệm vụ cắt lũ, chậm lũ cho hạ du, 200 triệu m3 nước, nếu không hạ du sẽ ngập nặng hơn nữa.

Theo ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tưởng thủy văn Hà Tĩnh từ ngày 14.10, đơn vị đã dự báo thời tiết về đợt mưa lũ lớn với lượng mưa từ 400- 700mm thậm chí lớn hơn để chính quyền, nhân dân chủ động ứng phó. Ảnh: TT.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi nam Hà Tĩnh cảm ơn Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh rất chia sẻ với ảnh hưởng của dân vùng hạ du, nhưng do lượng mưa quá lớn nên nước đổ về hồ lớn, phải xả để đảm bảo an toàn hồ đập.

Ông Tâm khẳng định bão số 8 với lượng mưa dự báo 100 – 150mm thì khi vào hồ Kẻ Gỗ không phải xả lũ, còn bão số 9 thì tiếp tục theo dõi thông tin mới biết được.

Ông Nguyễn Cảnh Thái - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cũng thông tin, qua theo dõi vệ tinh thì nếu không xả lũ của hồ Kẻ Gỗ thì hạ du cũng đã ngập lớn. Qua số liệu nước về hồ và lượng xả của hồ cho thấy hồ Kẻ Gỗ đã thực hiện tốt nhiệm vụ cắt lũ, làm chậm lũ cho hạ du. Ảnh: TT.


Ông Nguyễn Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Bộ NNPTNT) đánh giá cao công tác điều tiết, cắt lũ của hồ Kẻ Gỗ trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo ông Tú, do lượng mưa quá lớn, nên gây ngập lụt nặng, nếu không có sự điều tiết cắt lũ từ hồ Kẻ Gỗ thì vùng hạ du còn ngập nặng hơn.

Cần hỗ trợ sinh kế cho dân

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay Hà Tĩnh đã nhận được cứu trợ gồm tiền và hiện vật trị giá hơn 40 tỉ đồng. Trong đó, hàng cứu trợ lũ lụt là nhu yếu phẩm thì chuyển về cho dân ngay, còn tiền thì giữ ở kho bạc nhà nước để chờ chuyển đến các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Theo bà Thủy, bà con đang rất cần sinh kế sau lụt, đó là cần hỗ trợ giống cây trồng, đồ dùng trong gia đình, sách vở, quần áo. Đã có 372 đoàn đã liên hệ về cứu trợ, nhưng phần lớn là cứu trợ mì tôm, bánh chưng, nước uống.

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Hà Tĩnh thông tin công tác tiếp nhận cứu trợ. Ảnh: TT.

Thực tế có rất nhiều đoàn đi cứu trợ tự phát nên dẫn đến chỗ nhiều chỗ ít, gặp khó khăn trong việc tiếp cận điểm cứu trợ, nên mong muốn các đoàn cứu trợ nên thông qua kênh của mặt trận, chữ thập đỏ, chính quyền để phân bổ đúng đối tượng, hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn