MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngôi nhà nhỏ của anh Tài tại thôn Quy Hậu (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy). Trở về từ TP.HCM, anh Tài mong muốn có công việc ổn định tại quê nhà. Ảnh: H.L

Chật vật tìm việc làm sau khi về quê Quảng Bình tránh dịch

LÊ PHI LONG LDO | 10/10/2021 10:33

Hoàn thành cách ly sau khi trở về quê nhà Quảng Bình từ các tỉnh thành phía nam, nhiều người muốn tìm ngay một công việc để kiếm sống. Tuy nhiên, họ đã phải đối mặt với thực trạng khan hiếm việc làm: không những rất khó có thể tiếp tục làm công việc giống như cũ, mà ngay cả việc thời vụ cũng đang hiếm hoi.

Muốn về quê lập nghiệp

Anh Đỗ Mạnh Tài, 25 tuổi, trú tại Thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, cho biết: Trước khi về quê, anh là kỹ sư xây dựng  ở TP.HCM. Khi thành phố này bùng phát dịch, anh cảm thấy lo ngại nên quyết định về quê. 

Anh Đỗ Mạnh Tài trên đường từ TP.HCM về Quảng Bình. Ảnh: NVCC

Hành trình về quê cũng gặp nhiều rất nhiều khó khăn, do các tuyến xe khách không hoạt động nên anh Tài quyết định về quê bằng xe máy, đi suốt 2 ngày đêm mới từ TP.HCM về tới Quảng Bình. 

Do là người về quê từ sớm ngay vừa mới bùng phát dịch nên anh Tài chạy xe một mình, không theo các đoàn như hiện nay. Với hy vọng được về nhà cùng gia đình, kiếm việc làm tại đây, thu nhập thấp nhưng được gần gũi với người thân. 

Tuy nhiên, mong muốn về quê làm việc của anh Tài cũng như nhiều lao động khác đang bấp bênh hơn bao giờ hết, khi mà nhiều tháng nay anh phải ở nhà vì không tìm được việc làm.

“Lúc còn làm ở TP.HCM, lương của tôi vào khoảng 11 triệu đồng mỗi tháng, cũng đủ để sống. Nhưng mà bây giờ, tôi về quê đã khá lâu nhưng đến giờ vẫn đang thất nghiệp, gia đình tôi đã không khá giả gì giờ còn phải nuôi thêm một miệng ăn, khó khăn lại thêm khó khăn. Ở Quảng Bình không dễ dàng để kiếm được việc làm như ở các tỉnh phía Nam” - anh Tài tâm sự.

Hiện đang thất nghiệp, tuy nhiên anh Tài cho biết sẽ không quay trở lại TP.HCM làm việc mà mong muốn ở lại quê lập nghiệp cũng như tìm việc tại đây. Tuy mức lương không cao nhưng lại có thể gần gũi, phụ giúp gia đình mình.

Công việc phập phù

Cùng tình cảnh với anh Tài, anh Hoàng Trung Thành (31 tuổi, trú tại thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) vốn là công nhân tại Bình Dương, về quê đã hơn một tháng nay nhưng vẫn đang thất nghiệp. 

“Tôi làm công nhân tại khu công nghiệp Mỹ Phước tại Bình Dương, lương gần 9 triệu đồng mỗi tháng. Kể từ lúc bùng dịch thì anh em công nhân coi như thất nghiệp. Tôi ở lại nhà trọ gần 2 tháng, đến khi không kham nổi tiền trọ cũng như tiền ăn nên đành phải chạy xe máy về quê”, anh Thành kể.

Hai tháng ở lại trọ tại Bình Dương của anh Thành ngốn mất của anh mỗi tháng gần 3 triệu đồng. Tiền trọ và điện nước khoảng 1 triệu đồng, vì tình hình dịch bệnh, nên anh cũng ăn uống tiết kiệm hơn, mỗi tháng tiền ăn của anh rơi vào khoảng 2 triệu đồng.

Anh Thành cho biết vẫn chưa tìm được công việc ổn định. HIện anh làm phụ hồ cho một đoàn thợ xây trong thôn. Tuy nhiên do đang mùa mưa bão nên làm ngày được ngày nghỉ.

Gặp khó khăn ở quê nhà, anh Thành cho biết, đợi dịch bệnh ổn định, anh sẽ tiếp tục vào Nam làm việc. 

Những người trở về quê Quảng Bình từ các tỉnh thành phía Nam như anh Tài, anh Thành lại phải đối mặt với vô vàn khó khăn phía trước trong công cuộc mưu sinh.  Theo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình, qua thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh có hơn 5.000 lao động làm việc ở các doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam trở về quê tránh dịch.

Để giải quyết việc làm và tạo sinh kế cho số lao động này, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực kết nối với nhiều nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh; đơn vị dịch vụ việc làm, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cả nước, nhất là ở các tỉnh khống chế thành công dịch COVID-19 và chuyển sang trạng thái “bình thường mới” để tìm và giới thiệu việc làm cho người lao động.

Trung tâm cũng đã đề nghị chính quyền cấp xã tổng hợp, báo cáo nhu cầu cần tìm việc của lao động từ phía nam trở về, trên cơ sở đó phân chia thành nhóm ngành để giới thiệu việc làm.  

Trong khi đó, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện dịch bệnh ở trong tỉnh cơ bản được kiểm soát nên nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động và gửi yêu cầu Trung tâm tuyển dụng cho hơn 4.500 lao động vào làm việc, nhất là ưu tiên các lao động trở về từ các tỉnh, thành phố phía nam. Trung tâm sẽ tổ chức khoảng 10 hội nghị giới thiệu việc làm trực tuyến để cố gắng đáp ứng được nhu cầu cần tuyển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn