MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo “ChatGPT với Báo chí truyền thông – cơ hội và thách thức” tổ chức tại Tuyên Quang.

ChatGPT không thể thay thế được người làm báo

Nguyễn Tùng LDO | 01/03/2023 21:38

ChatGPT sẽ không thể thay thế được hoạt động của nhà báo, chủ thể sáng tạo ra sản phẩm báo chí - nhận định này nhận được nhiều sự đồng tình tại Hội thảo “ChatGPT với Báo chí truyền thông – cơ hội và thách thức” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Tuyên Quang tổ chức chiều 1.3.

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh - Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, sự ra đời của ChatGPT đã cho ra đời một phương pháp truyền thông mới trong thời đại chứng kiến của phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ.

"Tuy nhiên ChatGPT không thể thay thế con người, các nhà báo trong việc sáng tạo ra các tác phẩm báo chí để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng trong hiện tại và cả tương lai. Bởi ChatGPT không thể thay thế được những thao tác nghề nghiệp" - PGT.TS Nguyễn Ngọc Oanh khẳng định.

Cũng theo vị chuyên gia này, nhà báo mới là người tạo ra dữ liệu, phản ánh chân thực cuộc sống bằng nhãn quan nghề nghiệp. Do đó, để tận dụng những cơ hội do ChatGPT tạo ra, nhà báo cần trau dồi kiến thức, các kỹ năng chuyên môn, tận dụng tối đa công nghệ.

Đồng quan điểm, nhà báo Ngô Trần Thịnh - Trung tâm Tin tức (Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, ChatGPT sẽ không bao giờ làm được một tác phẩm có “tính con người” bao gồm cảm xúc, sự sáng tạo.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh chia sẻ: "Ở góc độ của những nhân lực mới, sinh viên mới ra trường, ChatGPT có thể là đối thủ cạnh tranh với các bạn, nếu các bạn không học hỏi nhanh, các bạn không thể thoát khỏi guồng quay phát triển của ChatGPT hay trí tuệ nhân tạo AI".

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, diễn giả về công nghệ thông tin và báo chí cũng cho rằng sự phát triển của ChatGPT cũng cho các lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo những góc nhìn mới trong bối cảnh công nghệ AI phổ biến như hiện nay.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ (Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng, hội thảo có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo để từ đó có sự chỉ đạo, bắt đầu xây dựng khung pháp lý, khắc phục được những nhược điểm, thách thức nếu như thiếu hiểu biết về ChatGPT.

"Hội thảo là dịp để nhà báo, nhà nghiên cứu, chuyên gia được thảo luận, phân tích về những vấn đề đặt ra như vấn đề về an ninh thông tin trên mạng xã hội, lộ đề tài, lộ thông tin, vấn đề về chuyển đổi số cũng như hành lang pháp lý khi sử dụng ChatGPT trong quá trình tác nghiệp" - bà Hằng chia sẻ.

ChatGPT hay với tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer - một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển. Ứng dụng này được hiểu đơn giản là một AI (trí thông minh nhân tạo) với kho kiến thức là hệ thống dữ liệu lớn được tập hợp.

ChatGPT có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra trong nhiều lĩnh vực hoặc có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế và thậm chí là cả sửa lỗi trong lập trình. Với việc ngày càng nhiều người dùng ứng dụng này trong công việc đã khiến ChatGPT ngày càng thông minh hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn