MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những vết thương trên người bé gái 7 tuổi ở Kiên Giang.

Cháu bé bị bạo hành ở Kiên Giang "mất tích": Rầm rộ vào cuộc rồi bỏ mặc

Dung Hà LDO | 18/01/2018 12:52

Thông tin bé gái 7 tuổi ở Kiên Giang nghi bị cha ruột và mẹ kế bạo hành bỗng nhiên "mất tích" khiến dư luận không khỏi băn khoăn rằng cơ quan chức năng ở đâu trong việc này. 

2 tháng trước, dư luận không khỏi bức xúc trước việc bố ruột và mẹ kế bạo hành con dã man bằng sắt nóng. Sau khi vụ việc bị phát giác, bé gái đã được cách ly khỏi người bạo hành và được bà nội chăm sóc thay thế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dư luận lại một lần nữa bàng hoàng khi biết rằng, bé gái đã mất tích.

Ths. BS Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng, theo Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định số 56 ngày 5.9.2017, khi phát hiện mối nguy hiểm đối với cháu bé, cơ quan chức năng mà cụ thể là Sở LĐTBXH tỉnh đã tiến hành biện pháp cách ly và chăm sóc thay thế. Tuy nhiên, sau khi cách ly, các đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ trẻ đã làm không đúng chức trách là phải có sự theo dõi, giám sát phối hợp cùng với gia đình để chăm sóc cháu trong thời gian cháu tạm thời cách ly.

“Trách nhiệm này là của Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Kiên Giang và Trưởng phòng LĐTBXH của xã Vĩnh Hòa Phú, tại sao sau khi tiến hành cách ly cháu bé lại không có sự theo dõi sát sao, để cho sự việc xảy ra”, ông An nói.

Bên cạnh đó, ông An cho rằng, chính quyền địa phương với chức năng phối hợp và chịu trách nhiệm hỗ trợ vẫn phải có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi. Trong trường hợp hết thời hạn cách ly mà chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng vẫn nhận thấy mối nguy hiểm đến từ những người bạo hành cháu bé, chính quyền hoàn toàn có thể làm văn bản yêu cầu Sở LĐTBXH tỉnh gia hạn thời gian cách ly, thậm chí là áp dụng biện pháp cách ly vĩnh viễn khỏi bố ruột và mẹ kế.

Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, việc bé gái ở Kiên Giang bị bạo hành, dù vẫn đang trong quá trình điều tra nhưng có thể thấy cháu bé đang phải đối mặt với nguy hiểm nên việc áp dụng biện pháp cách ly và chăm sóc thay thế là cần thiết. Tuy nhiên sau khi áp dụng biện pháp cách ly, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể lại không thường xuyên theo sát, dẫn đến việc cháu bé có thể tiếp tục rơi vào tình huống nguy hiểm.

Với chức năng của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam, bà Hồng cho biết, Hội đã soạn văn bản gửi Sở LĐTBXH tỉnh Kiên Giang, yêu cầu đơn vị này tiến hành ngay những bước cần thiết để bảo vệ cháu bé. Trước hết, cần xác định cháu đang ở đâu và có gặp nguy hiểm hay không.

Ngoài ra, hiện tại cháu bé đã 7 tuổi nên hoàn toàn có quyền được quyết định sẽ sống với bố hay mẹ theo nguyện vọng của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn