MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Chảy máu chất xám” - vấn đề không chỉ Việt Nam phải đương đầu

đặng chung LDO | 16/12/2019 11:13
Trước tình trạng đi du học bằng nguồn tiền ngân sách nhưng không trở về quê hương làm việc, ông Nguyễn Hải Thanh (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GDĐT) đã có những chia sẻ với Lao Động về chính sách thu hút nhân tài bằng việc cấp học bổng, đầu tư kinh phí để người tài đi du học hiện nay.

Thưa ông, hiện việc cấp học bổng từ nguồn ngân sách Nhà nước đang được thực hiện theo quy trình và tiêu chí như thế nào?

- Thời gian qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách đầu tư, thu hút nhân tài. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã được Chính phủ giao thực hiện một số đề án như Đề án 911 (Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020), Đề án 599 (Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2020). Tuy nhiên, các đề án này đều đã dừng tuyển sinh từ năm 2017, 2018. Hiện Bộ Giáo dục còn quản lý số lưu học sinh đang học tại nước ngoài cho đến khi kết thúc khóa học.

Đối với các đề án này, Bộ GDĐT trực tiếp tuyển chọn ứng viên theo các tiêu chí quy định tại các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện đề án (Đề án 911: Thông tư số 35/2012/TT-BGDĐT; Đề án 599: Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BGDĐT-BTC của Bộ GDĐT, Bộ Tài chính).   

Quy trình cấp phát kinh phí cho lưu học sinh được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 5.12.2007 và số 206/2010/TTLT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 144 của Bộ Tài chính, Bộ GDĐT, Bộ Ngoại giao... 

Sau khi cấp học bổng, các địa phương, hay đơn vị có người được cử đi học có thực hiện báo cáo không? Chế tài xử lý nếu người được cấp học bổng nhưng không trở về nước làm việc ra sao, thưa ông?

- Đối với lưu  học sinh đi học theo các Đề án do Bộ GDĐT quản lý, việc tiếp nhận lưu học sinh được thực hiện chặt chẽ theo quy định tại Quy chế Quản lý công dân Việt Nam học tập tại nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư số 10/2014/TT-BGDĐT; Thông tư số 34/2017/TT-BGDĐT ngày sửa đổi, bổ sung Thông tư 10 của Bộ GDĐT và theo các văn bản quy định hiện hành khác về quản lý, sử dụng công chức, viên chức.

Trong quá trình học tập, kết thúc khóa học, lưu học sinh đều có báo cáo kết quả học tập định kỳ gửi cho Bộ GDĐT và cơ quan công tác theo quy định để được cấp kinh phí. Kết thúc khóa học, lưu học sinh hoàn thiện báo cáo tốt nghiệp cho Bộ GDĐT và bộ sẽ có văn bản trả lưu học sinh về cơ quan công tác.

Trường hợp lưu học sinh vi phạm các quy định của người được hưởng học bổng ngân sách nhà nước sẽ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định hiện hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1.9.2017 của Chính phủ.

Việc những người được cử đi học đã không trở về nước làm việc. Theo ông, vì đâu nên nỗi?

- Xây dựng giải pháp nhằm thu hút nhân tài về làm việc lâu dài cho đất nước cần có sự phối hợp thực hiện các bộ, ngành liên quan. Hiện Chính phủ đã có chỉ đạo và Bộ GDĐT là một trong các thành viên tham gia soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định 87/2014/NĐ-CP quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Việc này cũng nhằm thu hút lưu học sinh về nước làm việc, khắc phục tình trạng chảy máu chất xám, đặc biệt lưu học sinh không nhận học bổng từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên cần khẳng định rằng, hiện tượng “chảy máu chất xám” không chỉ là vấn đề nan giải chỉ riêng Việt Nam phải đương đầu. Đây chính là sự di chuyển nguồn lực con người một cách tự nhiên, theo quy luật phân công lao động. Một mặt, sự dịch chuyển của lao động lành nghề là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế. Người Việt có tài ra nước ngoài định cư nhưng cũng có luồng di chuyển ngược lại vào Việt Nam. Nếu nhân tài Việt trở thành “công dân toàn cầu” thì cống hiến của họ mặc nhiên là tài sản chung, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tận dụng được. Ví dụ như thông qua chuyển giao công nghệ, phát minh của họ có thể thúc đẩy tiến bộ chung.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn