MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động trẻ coi chạy Grab là một công việc tạm thời để họ tiếp tục "nuôi" những ước mơ của mình. Ảnh: Lưu Thị Thùy Linh

Chạy xe ôm công nghệ để "lấy ngắn nuôi dài"

Lưu Thị Thùy Linh LDO | 01/11/2017 10:00
Thời gian gần đây, hình thức chạy xe ôm công nghệ thu hút rất nhiều lao động trẻ tham gia. Trong số họ, rất nhiều người hoặc chưa kiếm được việc làm, hoặc vẫn đang là sinh viên. Có ý kiến “than thở” rằng những lao động trẻ này “không biết nghĩ lớn”, “không có tinh thần khởi nghiệp”; công việc này không mang lại kỹ năng, lợi ích về lâu dài. 

Trước khi xe ôm công nghệ xuất hiện, những công việc mà sinh viên hay đi làm thêm để kiếm tiền là làm nhân viên quán ăn, nhân viên tư vấn, bán hàng, phát tờ rơi, xe ôm truyền thống... với mức thu nhập khoảng 1.200.000 đồng – 1.500.000 đồng/ tháng. 

Hiện nay, sinh viên chạy xe ôm công nghệ rất phổ biến. Một lao động chạy xe ôm công nghệ cho biết, một ngày trung bình đi làm được khoảng 300.000 đồng – 400.000 đồng, cao hơn việc phát tờ rơi gấp 2 lần, phụ bàn 3 lần. 

Tuy nhiên, nhiều lao động trẻ phải chấp nhận những cực khổ nghề mà nó mang lại. Đó là thời tiết mưa nắng thất thường, chạy xe vất vả vô cùng, trời mưa - ngoài ướt hết quần áo, có khi về cảm lạnh lại tốn tiền mua thuốc, công chạy một ngày mua mấy vỉ thuốc là hết... “Công việc nào cũng có khó khăn riêng của nó, đã là lao động kể cả trí óc hay chân tay, phải làm mới có thu nhập, nhưng chỉ khác là sự lựa chọn của bản thân và cần biết cố gắng để hoàn thành công việc”- anh Ngô Anh Quang, một người chạy xe ôm công nghệ chia sẻ.

Nhiều người cho rằng, chạy xe ôm công nghệ thì có khác gì công việc giản đơn, không cần kỹ năng. Có tiếp xúc với những lao động trẻ tham gia lĩnh vực này mới thấy, điều đó không hẳn là đúng. Họ không chỉ cần những điều kiện cơ bản như bằng lái xe, giấy tờ tùy thân, hiểu biết về phần mềm và hơn tất cả, là học cách ứng xử với khách hàng. 

Hơn nữa, chạy xe công nghệ cũng chỉ là “giải pháp tạm thời”, là “khoảng đệm” của những lao động trẻ để duy trì cuộc sống trước khi nghĩ đến những gì cao xa hơn, trước khi hiện thực hóa được những kế hoạch của cuộc đời mình. 

Anh Bùi Thanh Tùng, chạy xe tại bến xe Mỹ Đình có chia sẻ: “Tôi mới ra trường được mấy tháng, chưa xin được việc, lại không muốn về quê, nên làm nhân viên bán hàng, thời gian rảnh thì chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm ít tiền chi tiêu. Đối với tôi, đây chỉ là công việc tạm thời. Dự định về công việc tương lai của tôi vẫn là một kỹ sư xây dựng, được tham gia thiết kế cho các công trình, hiện thực thiết kế trên bản vẽ thành những ngôi nhà thực tế.”

Xét cho cùng, chạy xe ôm công nghệ là một công việc lương thiện, đáp ứng dịch vụ đi lại của người dân với giá hợp lý và chất lượng tốt hơn, thuận tiện. Những lao động trẻ trong đó có sinh viên, không đáng bị chỉ trích khi tham gia dịch vụ này. Tuy nhiên, có lẽ, trong số họ, nếu ai coi đây là công việc lâu dài thì đó là một câu hỏi lớn đối với khát vọng của họ - những người trẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn