MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế hiện nay quá lạc hậu

Phùng Nhung - Trang Hà LDO | 09/12/2022 12:34

Hiện nay, chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp, xây dựng từ nhiều năm trước nên không còn phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thay đổi chế độ, chính sách phù hợp với đóng góp, công lao của y bác sĩ.

Tiền trực quá thấp

Y tế cơ sở là tuyến đầu trực tiếp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh bùng phát và có diễn biến phức tạp như hiện nay, đội ngũ y bác sĩ tuyến xã từng ngày, từng giờ bám sát địa bàn, nỗ lực thực hiện công việc của mình dù khó khăn chồng chất. 

Thiếu nhân lực, mỗi cán bộ y tế phải đảm nhận rất nhiều đầu việc. Công việc vất vả, áp lực cao nhưng đồng lương và chế độ đãi ngộ nhận về chưa xứng đáng.

Mệt mỏi sau một ngày trực, chị T.H - điều dưỡng tại Trạm y tế xã thuộc huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) - cho biết, mỗi ngày trực chị chỉ nhận được 25.000 đồng tiền trợ cấp, ngoài ra còn được hỗ trợ 15.000 đồng tiền ăn/ngày, tổng là 40.000 đồng. Nếu trực cuối tuần và lễ tết thì số tiền sẽ cao hơn nhưng vẫn không thấm vào đâu.

"Lịch trực tương đối dày, cả trạm chỉ có 5 người, trong đó một người đang làm dân số và có con nhỏ nên nghỉ trực. Một tháng tôi trực 15 ngày, có những tuần vừa phải trực, vừa phải tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, quá nhiều việc nên không được nghỉ ngơi. Nhưng tiền trực quá thấp, chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế hiện nay quá lạc hậu" - chị H tâm sự.

 Chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế hiện nay quá lạc hậu. Ảnh: Hải Nguyễn

Thời gian ở trạm nhiều hơn ở nhà, chị H không có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Những ngày lễ tết, mọi người được đi chơi, được ở bên gia đình nhưng chị vẫn phải trực, làm tròn vai ở trạm. Vất vả là vậy nhưng một tháng tiền trực nhận về chỉ hơn 500.000 đồng.

"Thời gian nghỉ trưa ít ỏi tôi phải tranh thủ về nhà ăn cơm cho tiết kiệm. Công tác đã 19 năm, nhiều khi lương thấp cũng chán nản nhưng nghề mình đã chọn thì sẽ cố gắng làm việc, cống hiến. Chỉ mong thời gian tới có thêm những chính sách tăng lương, tăng phụ cấp để nhân viên y tế bớt khổ, bớt khó" - chị H hy vọng.

Cần có chính sách phù hợp

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, chế độ tiền trực, phụ cấp cho nhân viên y tế còn chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Chế độ tiền trực rất thấp, xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay không còn phù hợp. 

Bày tỏ sự đồng tình, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) khẳng định, Bộ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đúng thực trạng của ngành Y tế hiện nay. Trong đợt dịch COVID-19, số tiền một đêm trực của cán bộ y tế là 18.600 đồng; ở nhiều bệnh viện, lương của cán bộ y tế chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng - đây là con số quá thấp.

"Với mức lương như vậy đừng nói ở thành thị, thậm chí ở nông thôn cũng không sống được. Đây là vấn đề đã được nhắc đến trong nhiều cuộc họp các đoàn giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, diễn đàn Quốc hội.

Vấn đề thu nhập thấp là một trong những lý do cơ bản khiến rất nhiều cán bộ y tế bỏ ngành, chuyển sang y tế tư nhân để có thu nhập cao hơn. Đề nghị trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước quan tâm để thay đổi chế độ giúp đỡ đội ngũ nhân viên y tế bớt khó khăn" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Quốc hội

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, chế độ đãi ngộ của nhân viên y tế thấp, không tương xứng với ca trực cần phải xem xét, bàn bạc lại để phụ cấp thêm. Tuy nhiên, cần có tính toán phù hợp để cân đối với tất cả lĩnh vực, ngành nghề khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn