MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo khảo sát, 21,6% người Việt Nam bị lừa đảo do bị hấp dẫn bởi các ưu đãi. Ảnh: GASA

Chỉ 1,3% số người bị lừa đảo ở Việt Nam lấy lại được số tiền đã mất

Khánh An LDO | 25/12/2023 07:39

Theo báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và Gogolook, tại Việt Nam, hơn 25% dân số đã gặp phải các vụ lừa đảo trên mạng xã hội. Các nền tảng đang bị đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo bao gồm email, mạng xã hội, SMS, ứng dụng nhắn tin tức thời, diễn đàn... Trong đó, chỉ 1,3% số người bị lừa đảo lấy lại được số tiền đã mất.

Rò rỉ dữ liệu diện rộng

Trong báo cáo tình trạng lừa đảo tại khu vực châu Á năm 2023, GASA và Gogolook đã thu thập dữ liệu trực tiếp từ gần 20.000 người từ 11 khu vực châu Á, bao gồm Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.

Theo nội dung báo cáo, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới đã phải hứng chịu nhiều vụ rò rỉ dữ liệu trên diện rộng trong nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể hoạt động lừa đảo, đặc biệt là ở các khu vực Đông Nam Á, nơi vốn ít bị ảnh hưởng.

Theo thống kê từ Whoscall (một phần mềm nhận dạng số), số cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo trung bình nhận được trên mỗi người ở châu Á đã tăng từ 8,9 lần vào năm 2020 lên 15 lần vào năm 2022, phản ánh tốc độ tăng trưởng gộp hằng năm là 29,8%.

Theo kết quả khảo sát, cuộc gọi điện thoại và SMS là kênh lừa đảo bị lợi dụng thường xuyên nhất trên khắp châu Á, chiếm hai vị trí hàng đầu ở 8/11 khu vực.

Trong số các khu vực này, Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc) và Việt Nam có hơn 75% dân số nhận được cuộc gọi lừa đảo, trong khi Philippines, Hàn Quốc và Indonesia có hơn 75% số người nhận được tin nhắn SMS lừa đảo. Tại Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia, hơn 25% dân số đã gặp phải các vụ lừa đảo trên mạng xã hội. Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines có 25% số người nhận được email lừa đảo.

Trong số 11 khu vực châu Á được nghiên cứu, tỉ lệ sẵn sàng báo cáo hoạt động lừa đảo trung bình cao nhất là ở Trung Quốc (55%), tiếp theo là Singapore (51,5%) và Đài Loan (Trung Quốc) (50%), Hàn Quốc (31,6%), Philippines (24,6%), Việt Nam (26%)... Tỉ lệ phục hồi tài chính sau lừa đảo, Singapore đứng đầu với 9,4% số người được hỏi đã phục hồi thành công tài sản bị mất. Trong khi đó, tỉ lệ này ở Việt Nam là 1,3%.

Nâng cao nhận thức của người dân

Theo ông Jorij Abraham - Giám đốc điều hành GASA, trên khắp phạm vi kỹ thuật số rộng lớn của châu Á, bóng tối của tình trạng lừa đảo ngày càng gia tăng.

Báo cáo về tình trạng lừa đảo tại châu Á năm 2023 là một nỗ lực nhằm làm sáng tỏ những cách thức lừa đảo thâm nhập vào cuộc sống hằng ngày, lập bản đồ mức độ phổ biến của chúng trên các phương tiện truyền thông khác nhau và xác định các mô hình có thể giúp chống lại các hình thức lừa đảo.

“Các phương thức gọi điện và nhắn tin SMS truyền thống vẫn là phương thức phổ biến nhất đối với những kẻ lừa đảo. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số đã khiến các nền tảng như Facebook và WhatsApp trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động lừa đảo, với xu hướng nhắm mục tiêu vào nhóm người trẻ tuổi” - Giám đốc điều hành GASA nhận định.

Ông Ngô Minh Hiếu - chuyên viên Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) - CEO dự án Chống Lừa Đảo cho rằng, các cuộc gọi điện thoại và SMS vẫn là những con đường được sử dụng phổ biến nhất để lừa đảo, nhưng các nền tảng kỹ thuật số như mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin tức thời đang ngày càng bị lợi dụng nhiều hơn để trở thành công cụ lừa đảo.

“Từ đó cho thấy sự cần thiết phải đầu tư vào phòng, chống lừa đảo, đặc biệt là vào các sáng kiến nâng cao nhận thức về kỹ thuật số và nhận thức của người tiêu dùng. Sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các nhóm lợi ích công cộng là rất quan trọng để tạo ra các cơ chế và công nghệ chống lừa đảo mạnh mẽ nhằm bảo vệ cả người tiêu dùng và doanh nghiệp” - ông Hiếu cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn