MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Infographic các giai đoạn của Dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: quang tùng

Chỉ chấp thuận 3/8 dự án chuyển sang đầu tư công

Vương Chung LDO | 02/06/2020 08:05

Thay vì đề xuất đưa cả 8 dự án tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông sang đầu tư công, sau khi bàn bạc, cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ chỉ có 3/8 dự án chuyển sang đầu tư công là dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây.

Bộ GTVT đưa ra 3 phương án

Báo cáo với thường vụ Quốc hội việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết:  So với thời điểm Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, bối cảnh hiện nay đã phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi triển khai các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, cụ thể như sau:

Thứ nhất, theo quy định của Luật Đấu thầu, các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP sẽ phải đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Việc đấu thầu quốc tế sẽ giải quyết được khó khăn về tín dụng dài hạn trong nước, bảo đảm nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, quá trình sơ tuyển quốc tế đã xuất hiện yếu tố ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Trên cơ sở kết luận của cấp có thẩm quyền, Chính phủ đã quyết định chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước, do vậy mục tiêu ban đầu là đấu thầu quốc tế để huy động vốn nước ngoài đã không thực hiện được.

Thứ hai, trong giai đoạn trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư (năm 2017), vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm là tỉ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tại các Ngân hàng thương mại ngày càng thắt chặt nên khó khăn về huy động tín dụng trong nước.

Trong bối cảnh hiện nay, việc huy động tín dụng cho dự án đã phát sinh các yếu tố mới: Đó là chính sách pháp luật về PPP chưa hoàn thiện, các cơ chế chia sẻ rủi ro chưa được áp dụng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và tổ chức tín dụng trong nước.

Việc sụt giảm doanh thu tại nhiều dự án BOT giao thông trong thời gian qua đã minh chứng cho những rủi ro nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng phải gánh chịu toàn bộ do không được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro, điều này dẫn đến nhiều dự án phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản nợ và gây áp lực không nhỏ cho hệ thống ngân hàng. Mặt khác, tác động nhiều mặt của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hạn mức cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, để ứng phó với tác động của dịch COVID-19, bên cạnh những giải pháp quyết liệt về phòng chống dịch, Chính phủ tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian dịch bệnh và hỗ trợ lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn.

Chính vì vậy, Bộ GTVT đưa ra 3 phương án với việc đề xuất các phương án điều chỉnh hình thức đầu tư, Chính phủ đã xây dựng các phương án điều chỉnh hình thức đầu tư theo thứ tự ưu tiên như sau:

Phương án 1: Chuyển đổi sang đầu tư công toàn bộ 08 dự án; Phương án 2: Chuyển đổi sang đầu tư công 5 dự án, gồm: 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Phan Thiết - Dầu Giây) và 01 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 3 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Và phương án 3: Chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án, gồm: 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là tài sản công. Các hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công gồm: Giao quyền sử dụng tài sản công; cấp quyền khai thác tài sản công; chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công...

Tại Nghị quyết số 52/2017/QH14, Quốc hội giao Chính phủ “Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước”.

Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo rất lớn nên cần thiết xây dựng phương án để thu hồi vốn nhà nước đối với các dự án đầu tư toàn bộ bằng vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc xây dựng mới, người dân có sự lựa chọn và được hưởng các dịch vụ tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc thu hồi vốn nhà nước sẽ giảm áp lực về nguồn vốn quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi nguồn thu phí trên đầu phương tiện không đáp ứng đủ nhu cầu; đồng thời việc thu hồi vốn nhà nước sẽ hạn chế ảnh hưởng đến doanh thu các dự án BOT trên Quốc lộ 1 và các tuyến song hành; tạo nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Chấp thuận 3 dự án chuyển sang đầu tư công

Về các phương án điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Tại Tờ trình số 256/TTr-CP, Chính phủ đề xuất 3 phương án chuyển đổi các dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22.11.2017 của Quốc hội sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công.

Cụ thể, phương án 1 chuyển đổi toàn bộ 8 dự án thành phần, bổ sung thêm vốn nhà nước; Phương án 2: chuyển đổi 5 dự án (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), bổ sung thêm vốn nhà nước; Phương án 3: chuyển đổi 3 dự án (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), bổ sung thêm vốn nhà nước. 

Phương án 1: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận không tán thành với Phương án này tại Kết luận Phiên họp thứ 45. Với phương án 2: Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, phương án này cũng không phù hợp với các yêu cầu tại Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và một số ít dự án có nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển nhưng khả năng đấu thầu không thành công; vốn đầu tư công cho Dự án cần thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội, không bố trí bổ sung số vốn đầu tư công lớn cho Dự án sang Kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau (2021 - 2025).

Riêng với phương án 3, các ý kiến không nhất trí với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây để chuyển đổi vì các lý do: 2 dự án nêu trên có mức vốn nhà nước tham gia rất ít nhưng vẫn có từ 2 đến 3 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển.

Đây cũng là 2 dự án có lưu lượng nhu cầu vận tải cao nhất trong tổng số 8 dự án, nằm tại cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, kết nối thuận tiện với các tuyến cao tốc hiện hữu, có thể phát huy hiệu quả ngay. Đặc biệt, dự án Phan Thiết - Dầu Giây có tính hấp dẫn rất cao khi thời gian thu phí chỉ 14,58 năm (thấp nhất trong 8 dự án). Nhiều ý kiến cho rằng, 2 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP.

Ngoài ra, có ý kiến nhất trí với số lượng và phương án lựa chọn dự án thành phần của Phương án 3 do Chính phủ đề xuất và cho rằng, việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây là phù hợp do 2 dự án này có số vốn huy động lớn, nhà đầu tư khó có thể huy động được vốn tín dụng trong thời điểm hiện nay.

Việc lựa chọn 2 dự án này sẽ bảo đảm cho sự thành công khi chuyển đổi sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công. Hai dự án này nếu được chọn đầu tư sẽ phát huy ngay hiệu quả trong việc kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết (Quốc lộ 1 có 2 làn xe). Khả năng nhượng quyền thu phí thu hồi vốn nhà nước đối với 2 dự án này cao.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Theo đó chỉ chuyển đổi tối đa 03 dự án thành phần, đồng thời đề nghị xem xét lựa chọn thứ tự ưu tiên dự án chuyển đổi theo nguyên tắc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu tại Phiên họp thứ 45.

Cụ thể: dự án không có nhà đầu qua vòng sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết); có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển nhưng khả năng đấu thầu không thành công; không bố trí bổ sung số vốn đầu tư công lớn. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển khi phải hủy kết quả sơ tuyển để chuyển sang đầu tư 100% vốn đầu tư công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đồng ý chọn phương án 3 

Việc điều chỉnh này đã được xin ý kiến của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận là không đồng ý về việc điều chỉnh cả 8 dự án sang đầu tư công mà xem xét một số dự án sang đầu tư công và giao cho Ban cán sự Đảng của Chính phủ và Đảng đoàn của Quốc hội bàn bạc, thống nhất.

Theo tinh thần trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với việc chọn phương án 3 và thống nhất với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là không để số vốn thực hiện dự án sang nhiệm kỳ sau. Dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) thì chắc chắn là phải chuyển đổi sang đầu tư công. Còn 2 dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây có nối với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều có lưu lượng xe đi lại rất lớn. Hai dự án này có nguồn vốn đầu tư của Nhà nước ít mà huy động nguồn vốn của đối tác tư nhân nhiều nên nhà đầu tư còn e ngại trong vấn đề vốn để thi công nên có thể điều chỉnh chuyển từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng: thực hiện 3 dự án này phải đảm bảo yếu tố thời gian triển khai nhanh nhất và thu hồi được vốn nhanh

Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Chính phủ thận trọng, cân nhắc kỹ để đảm bảo cho việc giải ngân và yêu cầu thực hiện theo thực tiễn càng nhanh càng tốt. Việc điều chỉnh cũng theo Luật PPP. Quốc hội cũng đã báo cáo với Bộ Chính trị về việc xây dựng các công trình trọng điểm.

Với những yêu tố trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thống nhất với phương án 3, chuyển 3 dự án sang đầu tư công. Đó là dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây chuyển sang đầu tư công. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, việc thực hiện 3 dự án này phải đảm bảo yếu tố thời gian triển khai nhanh nhất và thu hồi được vốn nhanh qua thu phí, khai thông được giao thông ở vành đai 2, vành đai 3 thực sự hiệu quả. Việc đấu thầu các dự án nên được mở rộng và quyền quyết định là của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: thống nhất theo phương án thứ 3 của Chính phủ

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chỉ chuyển đổi những công trình không có nhà đầu tư là dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và lựa chọn 2 dự án thấy có ý nghĩa quan trọng nhất giải quyết được vấn đề cấp bách về giao thông và xử lý được những vấn đề trong phát triển giao thông hiện nay. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất theo phương án thứ 3 của Chính phủ là ngoài dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì có thêm 2 dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây là sẽ sử dụng ngân sách của Nhà nước để đầu tư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Chính phủ trình lại Tờ trình với một quan điểm chọn một phương án thống nhất chứ không nên đưa cả 3 phương án. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn