MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chỉ còn 32 chợ hoạt động, TPHCM tổ chức nhiều điểm bán lưu động

NGỌC LÊ LDO | 23/07/2021 10:01

TPHCM đã đóng cửa 205 chợ trong đó có các chợ đầu mối, hiện số lượng chợ và siêu thị trên địa bàn thành phố đáp ứng cho nhu cầu mua sắm khá mỏng. Do đó, TPHCM đang có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Tạm ngưng nhiều chợ truyền thống

Các chợ đầu mối và chợ truyền thống cung cấp 70% nguồn cung thực phẩm cho TPHCM, và 30% từ hệ thống hiện đại như siêu thị. Tuy nhiên, theo Sở Công thương TPHCM, tính đến ngày 22.7, thành phố còn 32/237 chợ hoạt động (tính cả 3 chợ đầu mối) và 97 siêu thị, 2.775 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động.

Trong đó, các địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn: thành phố Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Nhà Bè.

Tính đến ngày 22.7, thành phố còn 32/237 chợ hoạt động. Ảnh: Ngọc Lê

Trước đó, một số chợ trên địa bàn thành phố cũng đã hoạt động trở lại như chợ Bình Thới, chợ Phú Thọ,...

Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới (Quận 11) cho biết, chợ có gần 300 tiểu thương bán thực phẩm nhưng ban quản lý chợ sắp xếp mỗi ngày chỉ khoảng 85 tiểu thương bán hàng và luân phiên nhau.

"Ngoài việc triển khai phát phiếu cho người dân đi chợ theo ngày thì vào buổi chiều Ban Quản lý cũng tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ chợ, đảm bảo phòng chống dịch. Chúng tôi cũng sắp xếp các sạp cách nhau tối thiểu 2m, bố trí vách ngăn, màn ngăn trong suốt giữa các tiểu thương, giữa người bán và người mua… " - ông Tùng cho hay.

Sở Công thương TPHCM cũng đã có hướng dẫn các chợ phải bố trí khu vực xếp hàng vào chợ, có kẻ vạch, phong tỏa cửa phụ, lối đi phụ nhằm phân luồng di chuyển cho khách đi chợ giữa các khu vực, giữa các ngành hàng trong chợ theo hướng 1 chiều, từ khi vào chợ cho đến khi ra khỏi chợ, điều tiết lượng khách mua hàng cùng một thời điểm.

Tổ chức nhiều điểm bán hàng lưu động

Theo Sở Công thương TPHCM, trong 12 ngày (từ 11.7 đến 22.7), thành phố có 798 điểm bán với 866 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận huyện và TP. Thủ Đức. Tổng lượng hàng hóa cung cấp là 415 tấn thực phẩm các loại, 120.700 quả trứng gia cầm.

Trong đó, Sở tổ chức 260 điểm bán với 348 lượt xe; Viettel Post tổ chức 340 điểm bán với 340 lượt xe, bán 256 tấn hàng; VN Post tổ chức 198 điểm bán với 198 lượt xe, bán được 50 tấn hàng hóa và 10.000 quả trứng gia cầm. Riêng Quận 4, Quận 5, quận Tân Phú và huyện Cần Giờ không đăng ký bán hàng lưu động.

TPHCM tổ chức nhiều điểm bán hàng lưu động. Ảnh: Ngọc Lê

Trong ngày 22.7, TP đã tổ chức được 77 điểm bán và 87 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận - huyện với tổng lượng hàng hóa trong ngày gồm 19 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 14.000 quả trứng.

"Hiện số lượng các chuyến xe và khối lượng hàng bán lưu động đang có xu hướng ngày càng tăng, và thêm nhiều đơn vị tham gia" - đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã đề nghị TPHCM tiếp tục nghiên cứu, có những biện pháp nhằm tạo điều kiện tăng thêm các chợ truyền thống, kể cả chợ đầu mối có thể đưa vào hoạt động. Việc này giúp giảm áp lực với một số chợ đang mở cửa hiện nay, giảm áp lực cho người dân khi muốn mua hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn