MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lục bình sinh sôi dày đặc, gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.

Chi hơn 8 tỉ đồng để vớt lục bình

Kỳ Quan LDO | 20/07/2018 18:54
Tỉnh Tiền Giang đang tiến hành chiến dịch vớt lục bình kéo dài do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, với mục tiêu sẽ giải quyết dứt điểm vấn nạn lục bình. Chi phí cho chiến dịch này là hơn 8 tỉ đồng.

Như nhiều tỉnh vùng Tây Nam bộ khác, thời gian qua tỉnh Tiền Giang gặp nhiều khó khăn trước việc lục bình sinh sôi, gây cản trở lưu thông, ảnh hưởng sản xuất. Thực tế cho thấy việc vớt lục bình nhỏ lẻ không hiệu quả nên UBND tỉnh Tiền Giang mở đợt tổng diệt với sự tham gia của cả cộng đồng.

Chiến dịch do ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh - trực tiếp chỉ đạo. Theo thống kê, tỉnh Tiền Giang có trên 1.200 km kênh, rạch bị lục bình bao phủ với diện tích hơn 9 triệu m2. Ngân sách tỉnh chi 1.000 đồng mỗi m2 lục bình, ước tính tổng kinh phí hơn 8 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, sau chiến dịch lần này, người dân được vận động tự vớt lục bình tại nơi sinh sống, không để lục bình tái phát. Nếu làm được được như thế, Tiền Giang sẽ không còn “chiến dịch” vớt lục bình như đang làm.

Cây lục bình có xuất xứ từ Nam Mỹ, đã theo người Pháp du nhập vào Việt Nam hơn 100 năm trước, nên có tên là “bèo Tây”. Vào vùng đất Nam bộ, loài cây này có tên mới là “lục bình”, do nói trại từ “lộc bình” – loài cây có cuống lá phình to giống như lọ lộc bình dùng để cắm hoa. Cây lục bình từ lúc vào miền Tây đã trở nên gần gũi, thân thiện với người dân nới đây.

Món rau xanh giòn, chát của nõn lục bình, hoa lục bình mãi là món ăn khoái khẩu của người dân miền Tây. Thân và rễ lục bình dùng ủ phân hữu cơ rất tốt, từng góp phần làm cho ruộng đất miền Tây thêm màu mỡ. Nhiều mặt hàng gia dụng, hàng thủ công – mỹ nghệ dùng nguyên liệu chính là cây lục bình phơi khô…

Nhưng, trong cuộc sống “hiện đại” ngày nay, ít còn người ăn món lục bình; phân hữu cơ ít còn sử dụng, thay vào đó là phân hóa học; đồ nhựa, ny lon thay thế các sản phẩm từ lục bình… Lục bình thì vẫn sinh sôi, phát triển, nhưng không còn ai “dòm ngó” tới nó. Lục bình từ đó mà sinh sôi dày đặc, đe dọa môi trường sống của con người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn