MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành lệnh bắt đối tượng Lê Thị Thoan. Ảnh: CATH

Chỉ một vụ, nhóm "cát tặc" ở Thanh Hóa làm thất thoát gần 100 tỉ đồng

Xuân Hùng LDO | 02/10/2023 16:06

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, điều tra vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Số tiền các đối tượng “cát tặc” thu lợi bất chính được xác định lên đến gần 100 tỉ đồng.

Theo đó, cơ quan chức năng xác định các đối tượng: Lê Thị Thoan (huyện Yên Định), Trịnh Xuân Thành (Yên Định) và Nguyễn Trọng Giang (Vĩnh Lộc) tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Mã.

Cụ thể, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 10.2020 đến tháng 6.2022, các đối tượng trên đã khai thác trái phép hơn 1,1 triệu m3 cát, với giá trị được xác định hơn 95,5 tỉ đồng.

Trước đó, Công ty Cổ phần thương mại Đức Lộc - do ông Đỗ Quang Sơn (sinh năm 1982 ở phường Đông Thọ, TP. Thanh Hoá) là người đại diện hợp pháp - được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác mỏ cát 41 tại thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định. Trữ lượng được cấp phép khai thác trong hơn 10 năm là 109.000m3. Từ ngày 1.4.2019, Công ty Cổ phần thương mại Đức Lộc đã cho bà Lê Thị Thoan thuê khoán, để tiến hành các hoạt động khai thác cát.

Tiến hành điều tra, đến ngày 13.6.2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh ra Quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, để điều tra theo quy định. Xét thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án, Công an tỉnh báo cáo, đề nghị Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Ngày 29.6.2022, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác lập Chuyên án truy xét số 119R để tập trung để điều tra, làm rõ.

Nạn “cát tặc” vẫn hoành hành trên sông Mã bất kể mưa nắng, ngày đêm. Ảnh chụp ngày 27.9.2023 tại sông Mã đoạn chảy qua xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc. Ảnh: Quách Du

Thực tế, trữ lượng được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác trong 10 năm 10 tháng (từ 2019 - 2029) là 109.000m3 nhưng chỉ trong vòng 19 tháng, “cát tặc” đã tổ chức khai thác với sản lượng cấp cho hơn 120 năm.

Việc khai thác cát trái phép gây ảnh hưởng đến địa tầng, thay đổi kết cấu của lòng sông, tốc độ dòng chảy và dẫn đến sụt lún, không bảo đảm an toàn cho công trình đê điều, làm sạt lở nhiều bờ bãi trồng hoa màu của người dân. Mặt khác, số lượng cát khai thác trái phép rất lớn được vận chuyển liên tục trong thời gian dài, làm hư hỏng kết cấu mặt đường, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Tại phiên sơ thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt đối tượng Trịnh Xuân Thành 36 tháng tù giam; đối tượng Lê Thị Thoan 30 tháng tù giam và 9 tháng tù cho hưởng án treo đối với bị cáo Nguyễn Trọng Giang; đồng thời buộc các đối tượng nộp ngân sách nhà nước số tiền gần 100 tỉ đồng.

Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (thứ ba, phải sang) bên hiện trường sạt lở bờ sông Mã tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, ngày 27.9.2023. Ảnh: Q.D

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, cơ quan này nhận thấy có nhiều bất cập trong quy hoạch, cấp phép và quản lý tài nguyên khoáng sản, dẫn đến sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, vi phạm pháp luật.

Công an tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, đánh giá lại quy trình, quy định trong công tác thăm dò, quy hoạch, đánh giá trữ lượng khoáng sản của các mỏ đúng, sát với trữ lượng thực tế để cấp phép khai thác, không để các đối tượng lợi dụng sơ hở của Cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép trữ lượng khoáng sản khai thác thấp hơn nhiều so với trữ lượng khoáng sản thực tế có tại mỏ, để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn đến tài nguyên khoáng sản, thất thu thuế và các khoản phí khác theo quy định nhà nước.

Như vậy, chỉ với 1 vụ việc với một nhóm đối tượng chưa có “số má” gì ở Thanh Hóa trong một thời gian ngắn đã vi phạm, làm thất thoát ngân sách đến gần 100 tỉ. Vậy hàng năm, trên dọc sông Mã, bao nhiêu trăm tỉ, nghìn tỉ đã thất thoát vì “cát tặc”?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn