MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp chè liên kết với người dân các xã nghèo ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai chăm sóc và phát triển cây chè Shan tuyết đặc hữu để xuất khẩu. Ảnh: Bảo Nguyên

“Chìa khoá” giúp Lào Cai giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh tốp đầu cả nước

Bảo Nguyên LDO | 20/11/2023 08:48

Theo khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, tỉnh Lào Cai xếp thứ 5 trong số 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006 - 2021.

Hỗ trợ vay vốn, chuyển đối cơ cấu cây trồng

Với người dân ở xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương thì “thoát nghèo” hiểu đơn giản là có đủ tiền để trang trải cuộc sống gia đình, có tiền nộp học phí, mua sách vở, quần áo cho con đi học; xây được cái nhà vững chắc để ở...

Tuy nhiên, mơ ước giản đơn này không phải ai cũng làm được, nếu không có sự quyết tâm, mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế để thoát nghèo. Vài năm trước, thôn Nậm Đó từng có tới 55/69 gia đình thuộc diện hộ nghèo. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con đã chuyển đổi từ trồng ngô, lúa sang trồng chè để tăng thu nhập.

“Trồng chè được 5 năm nay, tôi thấy thu nhập khá hơn nhiều so với trồng cây ngô, cây lúa. Trước phải đi làm thuê, thu nhập thất thường vất vả, xa gia đình. Bây giờ cả thôn không ai đi lao động xa nữa mà tập trung vào chăm sóc, thu hái chè bán cho nhà máy”, anh Tẩn Khấy Sủ, Trưởng thôn Nậm Đó tâm sự.

Tương tự tại huyện vùng cao Mường Khương, nhiều năm trước, gia đình chị Vương Vĩnh Phú ở tổ dân phố Mã Tuyển, thị trấn Mường Khương từng là hộ nghèo. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm, chị Phú đã đầu tư cải tạo đất để trồng quýt. Đến nay, gia đình chị có khoảng 4.000 cây quýt, mỗi năm cho thu hoạch 20 tấn quả, thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Chị Vương Vĩnh Phú ở thị trấn Mường Khương được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, nhờ đó thoát nghèo. Ảnh: Bảo Nguyên

Cũng nhờ được vay vốn để đầu tư làm lại chuồng trại, mua ngựa giống về nuôi, gia đình anh Má A Chư, thôn Kin Sáng Hồ, xã Pa Cheo (huyện Bát Xát) đã không còn có tên trong danh sách hộ nghèo.

Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật mới, cùng với áp dụng kiến thức chăn nuôi truyền thống nên bước đầu đàn ngựa của gia đình anh Chư đã thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng/con.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Theo khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê vừa được công bố tháng 11.2023, tỉnh Lào Cai xếp thứ 5 trong số 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006 - 2021.

Năm 2022, tỉnh Lào Cai giảm thêm 9.770 hộ nghèo; tại 10 xã nghèo nhất giảm 676 hộ, thu nhập bình quân người dân đạt 19,2 triệu đồng/người/năm.

Nhiều dự án được triển khai đã phát huy hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo như dự án trồng măng sặt, chăn nuôi bò, ngựa sinh sản, liên kết trồng gừng trâu xuất khẩu ở xã Nậm Chày (Văn Bàn); dự án trồng chè Shan, chăn nuôi lợn đen sinh sản tại các xã: Lùng Khấu Nhin, Tả Thàng, Dìn Chin, La Pan Tẩn (Mường Khương); dự án phát triển cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi ngựa, lợn đen bản địa, trồng dong riềng tại Pa Cheo, xã Dền Thàng (Bát Xát)…

Mô hình nuôi ngựa là một trong những hướng thoát nghèo tại các xã nghèo của huyện Bát Xát. Ảnh: Bảo Nguyên

Một điểm mới trong công tác giảm nghèo tại Lào Cai là ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm gắn trách nhiệm người đứng đầu với tinh thần “người dân hết nghèo, xã thoát nghèo thì lãnh đạo mới hoàn thành nhiệm vụ". Lào Cai hiện có 8 lãnh đạo trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐNĐ, UBND cùng với lãnh đạo các sở, ban, ngành trực tiếp nhận nhiệm vụ giúp đỡ 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh.

Cùng với các chính sách hỗ trợ người dân khu vực “lõi nghèo”, thông qua các nguồn lực đầu tư, Lào Cai đã xây dựng gần 600 công trình hạ tầng thiết yếu nhằm nâng cao đời sống và sản xuất của người dân.

Đến nay, số thôn, bản có đường trục giao thông cứng hóa đạt khoảng 90%, tỷ lệ thôn, bản có điện lưới đạt trên 93%; 100% số xã xóa phòng học tạm…

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, việc tổ chức kết nối đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại các công ty, doanh nghiệp cho lao động trẻ xã xã nghèo đã bước đầu mang lại hiệu quả. Dự kiến, cuối năm 2023 có 75 hộ thoát nghèo trong số lao động đi làm việc tại các công ty.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn