MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đào tạo nghề dệt thổ cẩm giúp người dân có công ăn việc làm. Ảnh: Thế Lâm

Chìa khóa thoát nghèo cho lao động nông thôn

Anh Huy - Thành Đạt LDO | 30/11/2023 09:15

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm nghèo bền vững đang được nhân rộng trên nhiều tỉnh thành cả nước. Thông qua đây, nhiều lao động nông thôn vận dụng các kiến thức đã học, mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho bản thân...

Tăng thu nhập cho bản thân, giúp đỡ người nghèo

Mô hình chăn nuôi sản xuất của gia đình ông Lò Văn Tắn, bản Ho Cang, xã Lay Nưa (TX Mường Lay, tỉnh Điện Biên) là một trong những mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn tỉnh, cho thu nhập trên 410 triệu đồng/năm.

Theo ông Tắn, trước đây gia đình gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế phát triển không ổn định do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất và chưa biết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Từ năm 2016, thông qua các lớp đào tạo nghề và sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của hội nông dân địa phương, gia đình ông mạnh dạn đầu tư vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình với mô hình chăn nuôi, trồng trọt.

Trong đó, diện tích trồng lúa 2 vụ và rau màu các loại là 6.000m2, cho thu nhập 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ao cá 4.000m2 để phát triển cá giống, cá thịt, hằng năm xuất bán ra thị trường 50 vạn cá giống và hàng tạ cá thịt mang lại thu nhập 218,6 triệu đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Ơn, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) sau khi tham gia khóa đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng lúa, chăn nuôi lợn, trâu, bò… đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây chuồng trại, mua con giống.

Năm 2012, ông Ơn bắt đầu nuôi lợn rừng, nuôi bò và trồng cây nguyên liệu, cây ăn quả, doanh thu bình quân 300 triệu đồng mỗi năm; năm 2016, ông tham gia Hợp tác xã chăn nuôi lợn liên kết. Từ đó, gia đình ông nuôi thêm 100 con lợn thương phẩm, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi.

Nhờ đó, thu nhập gia đình ông tăng theo từng năm, trung bình mỗi năm từ 300 - 400 triệu đồng; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Ơn còn giúp đỡ 50 hộ nghèo, cho vay không lấy lãi.

Học viên thực hành pha chế đồ uống tại lớp dạy nghề ở Quảng Ngãi. Ảnh: Thảo Sương

Đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân

Không chỉ ở Điện Biên, các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Đắk Nông… cũng luôn chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu, điều kiện thực tế của lao động nông thôn.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhanh, ở xã Đức Lân (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), thuộc diện hộ nghèo. Năm 2022, bà Nhanh được địa phương tạo điều kiện tham gia lớp học nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và được hỗ trợ 50 con gà giống. Sau lớp học, bà Nhanh nắm kỹ thuật chăm sóc đàn gà, chủ động áp dụng vào việc chăn nuôi của gia đình. Bà còn mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi với hơn 100 con gà và 3 con bò. Từ đó, kinh tế gia đình bà Nhanh cải thiện rõ rệt.

Còn ở tỉnh Đắk Nông, gia đình chị Đàm Thúy Kiều (ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong) đang sản xuất 1ha cà phê và 7 sào dâu tằm.

Theo chị Kiều, thời gian học, các thầy cô giáo bố trí thuận lợi cho người dân tham gia. Trong quá trình giảng dạy, các thầy cô đã cầm tay chỉ việc giúp người nông dân nắm rõ đầy đủ các bước khoa học kỹ thuật phát triển nghề trồng trọt và bảo vệ thực vật.

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, chị Kiều và người dân nơi đây đã từng bước áp dụng những kiến thức học được vào việc phát triển kinh tế gia đình. "Hiện tôi đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển các loại cây trồng một cách bài bản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình" - chị Kiều tự tin cho biết.

Không riêng gì chị Kiều, theo Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Giáo dục nghề nghiệp huyện Đắk Glong, trong năm 2023, đơn vị đã đào tạo nghề trồng trọt - bảo vệ thực vật cho 83 người; chăn nuôi - thú y cho 75 người. Hiện nay, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã được gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất với khâu tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn