MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chia sẻ những nỗi đau tận cùng

Nhóm PV LDO | 19/11/2021 19:49

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.400 người dân Việt Nam. Lễ Tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 sẽ diễn ra tại TPHCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành lúc 20h tối nay. Đúng 20h30, các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) tại TPHCM, Hà Nội cùng đánh chuông tưởng niệm.

Đau thương và trách nhiệm

TPHCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang bước vào cuộc sống bình thường mới dù còn đó những vết thương hằn sâu mang tên đại dịch COVID-19. Ai đã trải qua những mất mát đau thương… mới thấm thía được hết nỗi đau khó có thể xoá nhoà bởi dịch bệnh.

Ông Phùng Khánh Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ: Trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Dù toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã vào cuộc hết sức quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt sức khỏe và sự an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, nhưng dịch bệnh khốc liệt, chưa có tiền lệ, hơn 1 triệu người nhiễm COVID-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, để lại nỗi đau tận cùng cho  người thân, gia đình và bạn bè.

Sinh mệnh con người là điều đáng quý nhất. Cho nên sẽ chẳng có gì bù đắp được với sự mất mát quá lớn này. Trong đó có biết bao người không được tổ chức một lễ tang trọn vẹn vì dịch bệnh. Hàng chục ngàn gia đình vĩnh viễn mất đi người thân yêu, hàng ngàn trẻ mồ côi cha, mẹ và những hình ảnh đau đớn đến tận cùng của những người chồng, người vợ, người con, người anh, người chị khi chỉ có thể tiếp nhận kỷ vật thân nhân của mình. Nỗi đau, sự mất mát như một cơn lốc quét qua, thật sự khủng khiếp, để lại trong lòng người ở lại khoảng trống khó lòng khỏa lấp nổi.

Chùa Pháp Hoa (số 870 Trường Sa, phường 14, quận 3, TPHCM) tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ tử vong hy sinh trong đại dịch COVID-19. 
Từ 18h30 đã có rất đông người dân ở khắp nơi đổ về khu vực chùa Pháp Hoa và Kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè để tham gia và chứng kiến buổi lễ tưởng niệm đầy trang nghiêm và ý nghĩa này. Ghi nhận của Anh Tú - Khánh Linh.

Lễ Tưởng niệm được tổ chức để tưởng nhớ những người đã không may mất vì COVID-19, chia sẻ những nỗi đau, mất mát với gia đình và người thân của họ. Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, là tình cảm thiêng liêng trong mỗi chúng ta và là sự quan tâm, sẻ chia, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nỗi đau của đồng bào.

"Không chỉ là nén tâm nhang dành cho những người đã khuất, Lễ Tưởng niệm cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhớ tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm. Dịch bệnh không loại trừ ai. Chúng ta phải thức tỉnh, thay đổi và thích ứng để bảo vệ cuộc sống của chính mình, của người thân và của đồng bào mình. Từ việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người; chia sẻ, động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh; sẵn sàng chung tay, góp sức tham gia phòng, chống dịch.

Thông qua đó, khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế - xã hội và mang lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho mỗi người dân" - ông Tài nhấn mạnh.

Nhiều người dân tỉnh Bình Dương đến thắp hương tưởng nhớ người mất vì COVID-19. Ghi nhận: Đình Trọng 

Tại Chùa Hội An (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một) sẽ tổ chức Lễ cầu siêu và thắp 2.600 ngọn nến tưởng niệm. Ngay từ 18h đã có rất nhiều người dân đến thắp hương tưởng nhớ người mất vì COVID-19.

Bình Dương là tỉnh bị dịch bệnh COVID-19 tác động nghiêm trọng chỉ sau TPHCM. Đợt dịch thứ tư, toàn tỉnh Bình Dương có 246.007 ca mắc COVID-19. Trong đó, đã điều trị khỏi bệnh 238.117 người, còn lại vẫn đang điều trị. Thống kê từ Sở Y tế Bình Dương cho biết, trong đợt dịch thứ 4 đã có 2.589 người tử vong do COVID-19. Tối nay (19.11) tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh.

Những cuộc chia ly không kịp nhìn nhau lần cuối

Đi qua đỉnh dịch COVID-19, có biết bao gia đình phải âm dương cách biệt. Trong những ngày mất mát đó, bao cảm xúc thương nhớ in sâu vào những người ở lại. Nhiều nơi tại TPHCM đã tổ chức lễ tưởng niệm và thành tâm thắp nén hương cho người nằm xuống, hy vọng nỗi đau được xoa dịu, dù chỉ một lần. Xem thêm TẠI ĐÂY

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.400 người dân Việt Nam. Trong đó có biết bao người không được tổ chức một lễ tang trọn vẹn vì dịch bệnh, không được gặp mặt người thân lần cuối. Hàng chục ngàn gia đình vĩnh viễn mất đi người thân yêu, hàng ngàn trẻ mồ côi cha, mẹ và những hình ảnh đau đớn đến tận cùng của những người chồng, người vợ, người con, người anh, người chị khi chỉ có thể tiếp nhận kỷ vật thân nhân của mình. Ảnh: Chân Phúc

Những ngày hè năm 2021, khi COVID-19 kéo đến mang theo những cuộc chia ly đầy bất ngờ. Đó là những ngày hè khó quên nhất của những người đã bị dịch bệnh cướp đi người thân yêu, biết bao đứa trẻ còn chưa trưởng thành đã rơi vào hoàn cảnh mồ côi cha, mồ côi mẹ... Những mất mát to lớn ấy, để lại trong lòng mỗi người một vết hằn sâu, đau và nhớ dai dẳng. Không chỉ những người có người thân mất vì COVID-19, mà bất cứ ai chứng kiến những ngày tháng khốc liệt, những khoảnh khắc đẫm nước mắt đó, chẳng thể nào nguôi.

This browser does not support the video element.

Thực hiện: Khánh Linh - Anh Tú

Đó cũng là lúc cả 6 thành viên trong gia đình của Tiền Định (15 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) đều không may mắc bệnh. Gia đình vốn phụ thuộc vào hàng bánh canh của người mẹ bởi ông Võ Văn Đức - bố của Tiền Định mang căn bệnh tai biến, chỉ có thể mở hàng nước bán trước nhà, kiếm chút tiền qua ngày. Trụ cột chính trong gia đình ra đi, cũng là lúc gánh nặng và áp lực dồn lại lên những "người ở lại". Song không vì thế mà 5 bố con chịu bỏ cuộc trước số phận. Giờ đây, khi tình hình dịch bệnh ổn định, Tiền Định sáng ở nhà học, tối đi làm thêm để kiếm tiền đi đóng học phí. Dù mới chỉ ở ngưỡng tuổi 15, nhưng ngần ấy khó khăn cũng không làm Tiền Định nhụt chí. Xem thêm TẠI ĐÂY

Nhận "kỷ vật" của người thân mất vì COVID-19 đó là khi nước mắt hoà cùng nước mưa. Ngày những người ở lại đến viện nhận lại "kỷ vật" của người đã khuất, người trao và người nhận đều đau xót vì mất mát quá lớn do dịch bệnh COVID-19 mang tới. “Khi đến đây cảm giác của tôi rất nặng nề, nhận lại đồ mà cảm thấy thêm đau lòng và ăn năn", anh Minh Đức (ngụ quận 10) chia sẻ, nước mắt anh hoà cùng nước mưa. Xem thêm TẠI ĐÂY

Người thân nhận lại kỷ vật của người tử vong trong dịch COVID-19. Ảnh: Anh Tú

Sáng mãi những tấm gương quên thân vì cộng đồng

TPHCM đến nay vẫn còn hàng nghìn người đang xông pha nơi tuyến đầu, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, thậm chí tử vong để góp phần mang lại cuộc sống “bình thường mới” cho người dân thành phố. Những con người quên thân mình nơi tuyến đầu chống dịch vẫn luôn là niềm tự hào của gia đình và hàng triệu người dân thành phố. Đó là những tấm gương quyết bám trụ chiến đấu với dịch. Xem thêm TẠI ĐÂY.

Thấu hiểu hết nỗi đau, sự hy sinh của tuyến đầu chống dịch, nhiều bệnh nhân, người thân tâm niệm sẽ phải vượt nỗi đau để tiếp tục sống. Xem thêm TẠI ĐÂY.

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19

Chương trình Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với sự phối hợp của Thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam.

Điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất, quận 1, TPHCM, với khoảng 1.000 đại biểu tham dự, điểm cầu có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện 50 gia đình có thân nhân mất vì COVID-19.

Cùng với đó là một số điểm cầu truyền hình tại thành phố Thủ Đức, các quận, huyện của TPHCM.

Tại Hà Nội, theo kế hoạch tổ chức của UBND TP Hà Nội, lễ tưởng niệm diễn ra tại công viên Thống Nhất lúc 20h, dự kiến kéo dài 30-45 phút, được truyền hình trực tiếp. Khoảng 300 đại biểu tham dự, gồm cả đại diện những gia đình có người mất do COVID-19.

Các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) tại TPHCM, Hà Nội cùng đánh chuông tưởng niệm vào lúc 20h30 ngày 19.11. 

Ngoài nghi thức thắp nến tưởng niệm, tại các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình... tổ chức thả đèn hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé vào lúc 20h35. 

Các con tàu trên các tuyến kênh ở TPHCM sẽ kéo còi, ở nhiều nơi, người dân được khuyến khích tắt đèn, thắp nến tưởng niệm.

Cùng thời gian này, tại các tỉnh, thành phố có nhiều người dân tử vong như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh... cũng có những hình thức phù hợp để tổ chức tưởng niệm.

Lễ tưởng niệm sẽ diễn ra vào lúc 20h tối nay (ngày 19.11), được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 từ hai điểm cầu TPHCM và TP Hà Nội.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, các đại biểu tham dự lễ tưởng niệm được yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về 5K; đảm bảo đã tiêm đủ liều vaccine, liều sau cùng tối thiểu phải đủ 14 ngày, tính đến hết ngày tham gia buổi lễ; có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 tiếng, tính đến hết thời điểm tổ chức lễ tưởng niệm.

Xen kẽ chương trình, Ban tổ chức sẽ phát các phóng sự mang tên "Cuộc chiến sinh tử" và "Vượt lên đau thương" tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch, chia sẻ mất mát với những gia đình có người thân mất vì dịch bệnh, niềm tin bước vào giai đoạn bình thường mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn