MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu học sinh từng tham gia chiến dịch K8 thăm cây cầu Hiền Lương lịch sử. Ảnh: H.Thơ.

Chiến dịch K8 và những bước chân trở về trên cầu Hiền Lương

HƯNG THƠ LDO | 01/05/2023 06:20

Để nuôi dưỡng những “búp măng non” trong thời điểm Quảng Trị đang là chiến trường ác liệt, 50 năm trước, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định sơ tán học sinh Vĩnh Linh và các huyện bờ nam sông Bến Hải ra Bắc với chiến dịch K8.

Những ngày cuối tháng 4.2023, Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (tỉnh Quảng Trị) đón nhiều khách du lịch, trong đó có nhiều cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa.

Trưa nắng, trên cầu Hiền Lương đón 4 vị khách đặc biệt, gồm ông Nguyễn Đình Quý, Lê Hữu Hai, Đinh Như Đăng và bà Hoàng Thị Biền. Họ là 4 trong hàng vạn học sinh của Đặc khu Vĩnh Linh và các địa phương bờ Nam sông Bến Hải 5 thập kỷ trước đã sơ tán ra miền Bắc học tập, để rồi họ trở về xây dựng lại quê hương.

Trước ngày kỷ niệm quê hương giải phóng, Nam – Bắc sum họp một nhà, họ đến thăm cầu Hiền Lương, nơi những bước chân của chiến dịch K8 bắt đầu.

Nhớ lại giây phút rời quê hương theo chiến dịch K8, ông Đinh Như Đăng (trú tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ, lúc đó còn nhỏ, ông chỉ còn nhớ khi đi ôm một ống tre đựng nước, đội mũ nan và đi đôi dép cao su.

“Sáng sớm rời quê, đi mệt thì đoàn dừng nghỉ rồi cứ đi tiếp. Cứ đi cho đến địa điểm định sẵn, rồi được ăn nghỉ, học hành ở đó” – ông Đinh Như Năng, kể.

Cứ đến dịp tháng 4, những cựu học sinh K8 ở thôn Hiền Lương lại tập trung để ôn lại ký ức. Ảnh: H.Thơ.

Cũng trong đoàn học sinh K8 di chuyển ra phía Bắc, bà Hoàng Thị Biền (trú tại thôn Hiền Lương) được đưa đến tỉnh Nam Hà (tỉnh này sau đó chia thành 2 tỉnh Hà Nam và Nam Định), và được một gia đình cưu mang như con ruột. Bà được nuôi dưỡng, học tập mấy năm, sau đó được trở về quê hương.

“Tôi có quê nội, quê ngoại, và thêm một quê nữa là tỉnh Nam Hà cũ” – bà Biền chia sẻ.

Ngược dòng lịch sử, sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, sông Bến Hải của Quảng Trị trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc. Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt nhất trong suốt 20 năm cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong đó, huyện Vĩnh Linh ở bờ bắc sông Bến Hải là mục tiêu hủy diệt của đối phương.

Trước tình hình này, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định sơ tán học sinh Vĩnh Linh và các huyện bờ nam sông Bến Hải ra Bắc, với chiến dịch K8 để các em có điều kiện học tập, sau này trở về xây dựng quê hương.

Chiến dịch này diễn ra từ tháng 8.1966 đến cuối 1967. Đã có hơn 3 vạn học sinh từ 7 đến 15 tuổi ra các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Hà, Nam Định, Thái Bình… để học tập.

Để đưa được con em Vĩnh Linh và các huyện bờ nam sông Bến Hải ra Bắc là một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về mọi mặt.

Ông Nguyễn Trung Hữu, nguyên cán bộ Ty Giáo dục Đặc khu Vĩnh Linh cho biết, thời điểm đó, ông và 2 cán bộ nữa được cử ra tỉnh Quảng Bình tiền trạm, xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. May mắn, tỉnh Quảng Bình đã nhận được chủ trương của Trung ương, nên đã giúp đỡ, ủng hộ Quảng Trị, hình thành địa bàn.

Tiếp đó, các học sinh K8 được đưa ra Quảng Bình, rồi ra các tỉnh phía Bắc.

“Ra đến các tỉnh phía Bắc, học sinh K8 được bà con các tỉnh đón tiếp trong tình yêu thương, coi như con em của mình” – ông Nguyễn Trung Hữu xúc động.

Những câu chuyện về chiến dịch K8 được viết thành cuốn sách “Măng non trong bão đạn” và được ra mắt tại tỉnh Quảng Trị mới đây. Ảnh: H.Thơ.

Thời điểm đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các tỉnh phía Bắc xem việc nuôi dạy học sinh K8 là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau 7 năm sơ tán, ăn học và lao động ở miền Bắc, học sinh K8 trở về quê hương vào năm 1973, khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng.

Về quê, họ tiếp tục học tập, phục vụ chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam và xây dựng, tái thiết quê hương. Mỗi người mỗi việc, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng với những người từng đi K8, miền Bắc đã trở thành quê hương thứ hai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn