MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phục dựng Tết thời bao cấp của Bảo tàng Thanh Hóa. Ảnh: Quách Du

Chiều 30 nhớ Tết xưa, nhớ miếng ăn thời khốn khó

NGUYỄN KHIÊM LDO | 21/01/2023 13:00

Nhớ Tết xưa, nhớ về miếng ăn, cái mặc của thời khốn khó lúc đất nước đang còn nghèo để trân trọng giá trị của lao động, của đổi mới. Để “vá” lại miền ký ức xám, hướng về một năm mới đầy hy vọng, sung túc.

Tết bây giờ không đến nỗi phải lo toan từng miếng ăn, cái mặc như ngày xưa. Người ta không còn phải đợi đến tết để… được ăn no, mặc đẹp. Nhưng không vì thế, “vị tết” ngày càng nhạt dần.

Cùng với sự phát triển của đất nước, mỗi phận người đều trải qua những cái tết chẳng giống nhau. Nhưng chờ tết để được ăn một miếng ngon, mặc được tấm áo mới ở vào thời khốn khó thì không thể nào quên dù đi cùng trời cuối đất.

Những năm đói kèm, tết nhất ở đất cù lao quê tôi vẫn không khác ngày thường là bao. Chỉ khác có sự hiện diện của thịt thà và tấm áo mới nhuộm.

Mỗi năm, ba tôi nhuộm áo cho con đúng hai lần. Lần đầu bước vào năm học mới và dịp tết. Mạ thì lo may áo mới. Ba lo phần nhuộm áo cũ. Cứ vào tháng Chạp là lúc mạ tôi xé vải may áo quần cho con. Áo trắng, quần xanh mặc tết để cả năm còn mang đi học. Thằng anh ngắn và chật thì giao cho thằng em. Làm sao tận dụng tối đa chứ không được lãng phí. Có đứa quần chật phải nới lưng. Khổ nỗi đằng sau chỗ nới lộ rõ màu vãi mới. Lúc đến trường mấy đứa bạn cùng lớp nhìn chằm chằm vào cái tam giác lạ ấy mà châm chọc. Chỉ biết úp mặt vào bàn mà khóc không nên lời. Cái nghèo đã làm cho mọi thứ trở nên hèn hạ. Giữa cuộc chơi cũng không dám đứng dậy vì sợ nỗi đau của mình bị người khác thấy.

Tháng Chạp bắt đầu có mưa phùn. Cái rét ngọt làm cho hoa cỏ lún phún hơi sương. Ba tôi đạp xe qua chợ Chùa mua sấp giấy ngũ sắc. Đó là thứ giấy dày, khổ to đủ màu sắc, người ta dùng để dán tường, cắt hoa hay trang trí nhà cửa. Một nồi nước được bắc lên trên bếp lửa rừng rực. Đứa nào thích màu nào thì chọn, ba tôi nói. Thế là người chọn màu xanh, người chọn màu tím… để thả vào nồi nước đang sôi. Nồi nước chốc lát trở thành màu xanh hay tím. Những chiếc áo cũ ngã màu cháo lòng đầy mủ mít, mủ chuối giờ được làm mới bằng công nghệ nhuộm thủ công. Thả chiếc áo cũ vào, đợi vài phút vớt ra xem màu đã vừa ý chưa. Nếu thấy nhạt thì tiếp tục chêm thêm giấy màu.

Với cách nhuộm ấy, anh em nhà tôi ngoài bộ áo quần mới vừa mang tết vừa mang đi học, mỗi năm lại có thêm chiếc áo nhuộm với sắc màu tự chọn.

Chạn bát thời bao cấp. Ảnh: Quách Du

Ký ức về tết là ký ức của những miếng ăn. Trẻ háo hức tết ngoài được áo mới, còn có ý thức đợi chờ điều rất thực, đó là được ăn. Dù đói nghèo đến mấy thì tết cũng phải có cái ăn đầy bụng. Ăn không còn mang nghĩa chống đói mà ăn để sang năm được đủ đầy, ấm no. Bởi thế nên dân gian thường nói, giàu hay nghèo, ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà. Miếng thịt làm đại diện sáng giá nhất cho một miếng ngon, miếng no thời bấy giờ.

Bây giờ không còn quan niệm “đói giỗ cha, no ba ngày tết” nữa. Cuộc sống đã đổi thay, phát triển. Miếng ăn, áo mặc không còn là nỗi lo toan nữa. Thay vào đó là miếng ngon, miếng sang. Và vì thế, “ăn Tết” không còn nặng về phần… ăn nữa. Đó là sự hưởng thụ về một thời khắc đất trời sắp chuyển giao, ở đó tinh thần, những giá trị nhân văn, cao quý giữa con người với nhau được tôn lên trên cái đủ đầy của vật chất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn