MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Website giả mạo (phải) bắt chước theo website bán vé chính thức (trái). Ảnh: ticketbox.vn

Chiêu trò thêm vài ký tự lạ vào tên miền của các đối tượng lừa đảo

KHÁNH AN LDO | 07/10/2023 12:36

Trong tháng 9 vừa qua, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến mới, trong đó có chiêu trò thêm một vài ký tự lạ vào tên miền để giả mạo website rồi lừa đảo.

Gần đây, liên tiếp xuất hiện nhiều vụ việc người dân bị lừa đảo bởi những website có tên miền gần giống tên miền của website thật.

Mới đây nhất, khi nền tảng trực tuyến Ticketbox chính thức mở bán vé concert của nhóm nhạc Westlife tại Việt Nam, một số đối tượng thay đổi tên miền so với địa chỉ trang web chính thức. Các đối tượng cũng tạo một trang web lừa đảo với thiết kế gần như giống hệt để đánh lừa người mua.

Khi BlackPink có đêm diễn tại Hà Nội, tình trạng giả mạo website để bán vé cũng từng diễn ra. Giao diện của website giả được thiết kế tinh vi, gần như tương đồng đến hơn 90% so với website gốc.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk, .tv…

Liên quan đến những trường hợp lập website giả mạo để lừa đảo, ông Phạm Công Hải - Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết trong 9 tháng vừa qua đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ TTTT rà soát và ngăn chặn trên 2.400 website, tài khoản ứng dụng vi phạm pháp luật.

Ông Hải cho hay, các website, tài khoản ứng dụng vi phạm pháp luật đã bị Bộ TTTT và Bộ Công an phối hợp ngăn chặn để góp phần làm sạch không gian mạng.

“Thời gian qua, chúng tôi đã bóc gỡ, triệt phá nhiều đường dây tội phạm công nghệ cao có yếu tố người nước ngoài tham gia, nhất là các đối tượng cầm đầu đặt trụ sở tại nước ngoài, lôi kéo một số người dân tham gia hoạt động tội phạm lừa đảo”, ông Hải cho hay.

Về tình trạng giả mạo website rồi lừa đảo, Bộ Công an khuyến cáo người dân kiểm tra kỹ thông tin trang web khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, bởi lẽ website chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh bên miền website (giao thức “https”).

Người dân không nên nhấp vào đường link hoặc mở các tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.

Đồng thời, người dân cũng cần cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an, để yêu cầu hợp tác điều tra.

Người dân cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các trang, tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của mình cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch của người đó.

Trong trường hợp nhận được tin nhắn mượn tiền hay nhờ chuyển tiền cho người thân, cần xác nhận lại thông tin.

Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không được cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, không nhận mở tài khoản, chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn