MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chim quý xuất hiện trở lại tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

NHẬT HỒ LDO | 09/12/2022 09:51
Cà Mau - Chim cú cá hay còn gọi là dù dì phương Đông, có tên trong Sách Đỏ thế giới, được xếp vào mức ít quan tâm vừa xuất hiện trở lại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Ngày 9.12, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, đây là một loài chim quý hiếm ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau bởi rất ít khi xuất hiện tại đây.

Hiện, qua ghi nhận ở vườn, có ít nhất 4 con, gồm chim bố, mẹ và 2 chim con.

Ông Dũng kể, gần một năm trước, ông cùng đồng nghiệp đang đi kiểm tra rừng, trời mưa rất to có thể do dông lốc nên chim cú cá con trên tổ rơi xuống đất bùn.

Chim cú cá là loài cú mèo lớn, lông tai màu nâu hay nâu đỏ, có nhiều vệt đen ở phía lưng. Ảnh: Lê Dũng

This browser does not support the video element.

Clip chim dù dì phương Đông ở Mũi Cà Mau. Clip: Lê Dũng

"Lúc đó, tôi thấy tội nghiệp nên đem chim con về bỏ vào lồng dưỡng nuôi. Sau vài ngày, tôi phát hiện chim bố, mẹ hàng đêm đem mồi đến cho chim con ăn.

Sau khoảng 3 tuần, chim con biết bay, tôi thả ra môi trường thì chim bố, mẹ đến tập bay vào rừng", ông Dũng nhớ lại khi chính mình chứng kiến sự việc.

Dù dì xuất hiện trở lại tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau khiến nhiều người bất ngờ, thú vị. Ảnh: Lê Dũng

Theo ông Dũng, loài chim cú cá này rất thông minh, luôn sống gắn liền với nơi sinh ra và chỉ khi nào rừng bị tàn phá thì chim mới bỏ đi.

Ông Lê Văn Dũng thông tin thêm, do đây là loài chim quý hiếm nên thời gian qua đã thu hút nhiều nhà điểu học, có người từ Hà Nội bay vào Cà Mau nhiều lần vào mùa chim sinh sản để nghiên cứu, chụp ảnh làm tư liệu.

Chim cú cá là loài cú mèo lớn, lông tai màu nâu hay nâu đỏ, có nhiều vệt đen ở phía lưng. Đôi khi có hai dải màu trắng to ở cánh. Không có đĩa mặt, tai cụp, đuôi màu đen nhìn thấy khi bay, chân không phủ lông. Mắt màu da cam.

Loài chim này phần lớn hoạt động vào ban đêm nhưng cũng có thể nhìn thấy vào ban ngày lúc trời nhiều mây, sống thành đôi. Bay chậm và vừa bay vừa kêu, khi bay, hai chân lúc lắc. Tiếng kêu ‘ump-ouu-u’ vang, nhấn mạnh vào âm tiết giữa, lặp đi lặp lại một cách đều đặn. Tiếng kêu khác ‘meo meo’ giống tiếng mèo.

Sự xuất hiện của chim dù dì phương Đông khiến nhiều người tò mò, tìm đến với mục đích nghiên cứu khoa học. Ảnh: Lê Dũng

Chim dù dì phương Đông phân bố ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Bộ. Phân bố có thể lên tới độ cao khoảng 900 mét.

Sinh cảnh sống ở rừng thưa. Khu vực rừng gần nguồn nước như suối, đầm lầy. Sinh sản vào tháng 12 đến tháng 3. Tổ làm ở kẽ đá, hốc cây, mỗi lần đẻ từ 1 - 2 trứng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn