MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng mong muốn chính quyền đô thị sẽ là mô hình ưu việt, phù hợp với các đặc thù riêng của thành phố. Ảnh: Thuỳ Trang

Chính quyền đô thị phải ưu việt, tránh cứng nhắc, rập khuôn

Thuỳ Trang LDO | 16/10/2020 06:21

Ngày 15.10, UBND TP.Đà Nẵng cùng Bộ Nội vụ đã có buổi lấy ý kiến xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Tại đây, các địa phương nêu rõ, việc hạn chế số lượng cán bộ công chức, gộp phòng ban nếu cứ rập khuôn làm cứng nhắc sẽ tạo nhiều áp lực, hiệu quả công việc không có, mô hình chính quyền không thể trở nên ưu việt.

Cán bộ ít, việc quá nhiều

Ông Võ Trường Anh - Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 - có ý kiến, sau khi sắp xếp số lượng công chức theo Nghị định 34, các phường đang có không quá 14 công chức. Trong khi đó, công việc ở phường rất nhiều, có khi quá tải. Nay, theo mô hình chính quyền đô thị, các địa phương buộc phải cắt giảm xuống 12 công chức, đồng thời 17 ban chuyên trách được gộp lại chỉ còn lại 14 ban thì quá nặng nhọc cho cán bộ. “Tôi cho rằng, đưa ra con số này là không thể. Cắt đi 2 cán bộ đã có biên chế mà không có lý do, hiện cũng chưa có quy định hướng dẫn thì làm sao chúng tôi sắp xếp được?” - ông Anh đặt câu hỏi.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Ngự Tuyên - Chủ tịch UBND phường Chính Gián - cho rằng, thực tế hiện nay, 1 cán bộ đang phụ trách 1 lĩnh vực đã là quá tải. Bởi, trừ kế toán ra, 50% cán bộ phường phải trực ở Bộ phận Một cửa để tiếp dân. Họ phải đi xác minh, làm nhiệm vụ chuyên môn ngành dọc. Họ luôn trong tình trạng bỏ cái nào cũng không được mà làm thì không xong. Vậy nên, một số lĩnh vực, 1 cán bộ công chức (CBCC) không thể làm hết việc. Chưa kể, CBCC là nữ khi nghỉ sinh con, việc bố trí người sẽ rất khó. Một vấn đề khác là mô hình chính quyền đô thị quy định, cán bộ hoạt động không chuyên trách chỉ làm việc bán thời gian. Tuy nhiên, thực tế là tại Đà Nẵng, hơn 50% các địa phương có cán bộ không chuyên trách có trình độ đại học. Vậy, chỉ để họ làm việc nửa thời gian như vậy sẽ không tận dụng được tối đa sức lao động. Còn nếu để họ làm việc 100% như CBCC hiện nay thì chế độ, phụ cấp phải như nhau.

Về ý kiến của các quận, ông Nguyễn Đăng Huy - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - cũng trao đổi về việc gộp 12 phòng chuyên môn thành xuống còn 8. “Lĩnh vực Y tế nếu ghép với Giáo dục và Văn hoá là rất lớn. Bởi riêng Y tế, ngoài việc quản lý các bệnh viện trên địa bàn quận, chúng tôi còn phải lo về vấn đề an toàn thực phẩm. Tương tự như đề xuất gộp phòng Đô thị với Tài nguyên môi trường lại với nhau là không thể, bởi mỗi lĩnh vực đều có rất nhiều việc. Quan điểm của địa phương là nên duy trì như hiện nay hoặc ghép vào thí điểm” - ông Huy nói.

Chọn phương án tốt nhất

Ghi nhận những ý kiến của các địa phương, ông Hoàng Ngọc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ - cho biết, theo lộ trình, ngày 15.10, bộ sẽ chốt trình Nghị định cho Chính phủ. Tuy nhiên, TP.Đà Nẵng là nơi thụ hưởng và thực hiện Nghị định này nên các ý kiến cần được lắng nghe, cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao Nghị định đưa ra phải đồng bộ với các Nghị định khác cũng như phù hợp với tính đặc thù của TP.Đà Nẵng. Các cán bộ Bộ Nội vụ cũng cho rằng, không nên vội vàng quyết định, đóng khung tất cả các đầu mối. Quá trình thí điểm sẽ có so sánh hiệu quả, cái gì rườm rà, không tốt thì bỏ đi, đồng thời cũng nên có lộ trình chuyển tiếp dần dần để hoàn thiện mô hình chứ không thể rập khuôn, cứng nhắc làm ngay.

Tiếp thu những ý kiến đó, ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, về số lượng cơ quan chuyên môn giúp việc UBND quận, bộ sẽ nghiên cứu để phù hợp với địa phương, thể hiện sự cải cách nhiều hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động chính quyền đô thị, làm sao để tạo ra mô hình ưu việt nhất. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần hiểu rằng có những quy định đặt ra là để tạo sự thống nhất và hiệu quả cho mô hình chính quyền đô thị. Như số lượng cấp phó càng ít thì mới thể hiện được người lãnh đạo làm tốt việc, nên phải có lộ trình đưa số lượng cấp phó về số lượng quy định.

“Chúng tôi cũng sẽ cân nhắc thêm về số cán bộ tại UBND phường, có thể là 14 hay 15 trên cơ sở những vấn đề có lợi cho Đà Nẵng, đáp ứng sự hài lòng của người dân, đáp ứng được việc cải cách hành chính, phục vụ sự phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới thì các bộ, ngành sẽ ủng hộ các phương án nhưng cũng phải đảm bảo không trái với các chủ trương, Nghị quyết, phù hợp với điều kiện thực tế” - ông Tuấn Anh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn