MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đến làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh Hải Nguyễn

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp linh hoạt, người lao động "được lợi"

ANH THƯ LDO | 31/10/2021 15:42
Hà Nội - Bình quân số người đến làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố tăng khoảng 30% so với thời điểm giãn cách xã hội.

53.000 lao động đến làm thủ tục

Công ty bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh Nguyễn Văn Linh (35 tuổi, quê ở Bắc Giang) bị mất việc làm đến nay là 5 tháng. Anh Linh đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục và hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.

Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất dịp cuối năm nên nở rộ nhu cầu tuyển dụng. Anh Linh cũng như nhiều người lao động khác bắt đầu tìm kiếm việc làm.

Thống kê từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận hơn 53.000 người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm khoảng 20% so cùng kỳ năm trước. Hiện trung bình mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận gần 300 hồ sơ…

Thông tin về việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn, ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, trong tháng 9 và tháng 10.2021, trung tâm vừa hỗ trợ người lao động giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.  

Người lao động khai báo thông tin hưởng trợ cấp. Ảnh Hải Nguyễn.

Riêng trong tháng 10, số người lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm đông hơn so với thời điểm trước giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, so với các tháng trước, số người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng không nhiều. Điều này một phần do trong thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội, trung tâm vẫn hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp qua hình thức gián tiếp, gửi hồ sơ qua đường bưu điện.

Tìm cơ hội việc làm

Đánh giá về những con số trên, ông Tạ Văn Thảo cho hay: “Con số này chưa thể khẳng định mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến người lao động có cao hơn năm ngoái hay không, vì phản ứng của thị trường lao động bao giờ cũng có độ trễ".

Thêm nữa, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thiết kế rất linh hoạt, thể hiện vai trò an sinh và có tính bền vững cao, thực hiện nguyên tắc có đóng, có hưởng.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, người lao động có 3 tháng để nộp hồ sơ. Trong thời gian 2 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, cơ bản những người lao động có đầy đủ hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp đã chủ động gửi qua đường bưu điện nên sau giãn cách, số người đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã phản ánh đúng thực trạng của thị trường lao động.

Nếu đánh giá về mức độ, theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thì số lượng hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến thời điểm này thấp hơn so với năm ngoái, là có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả từ phía chính sách.

Ngoài nhận khoản tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, NLĐ được tư vấn giới thiệu việc làm mới. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn.

Ông Thảo cho biết, qua quan sát về việc thống kê hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong những năm qua, đơn vị này nhận thấy trên 70% người lao động thất nghiệp là do tự xin nghỉ việc nhằm tìm cho mình một công việc tốt, bền vững hơn.

Khi thị trường lao động ở trạng thái bình thường, có nhiều cơ hội tìm công việc tốt hơn thì người lao động cũng sẵn sàng tìm việc khác là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, trong ảnh hưởng của dịch bệnh, tâm lý người lao động sẽ ngại nhảy việc.

Ông Thảo đánh giá, đây là một trong những nguyên nhân khiến người lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 giảm so với năm 2020. Tuy nhiên, con số này không phản ánh mức độ của ảnh hưởng đến nền kinh tế mà do đặc thù, tính chất của thị trường lao động.

Nhận định về tình hình hưởng bảo hiểm từ nay đến cuối năm, lãnh đạo trung tâm này nói rằng cần phải tiếp tục quan sát, song theo đặc trưng của thị trường lao động trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì càng về giai đoạn cuối năm, người lao động càng ngại nhảy việc.

"Do tính chất trong quan hệ lao động, thời điểm này người lao động có xu hướng giữ việc làm chờ đến Tết để nhận thưởng nên rất ngại nhảy việc. Dù vậy, đây chỉ là nhận định, để có số liệu chính xác thì chúng tôi cần quan sát thêm”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn