MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trưa 31.5, tàu hàng có tải trọng hơn 900 tấn đã di chuyển an toàn qua hầm đường sắt Chí Thạnh (huyện Tuy An, Phú Yên). Ảnh: Hoài Luân

Chính thức thông hầm đường sắt qua Phú Yên sau 10 ngày chia cắt vì sạt lở

Hoài Luân LDO | 31/05/2024 13:25

Phú Yên - Trưa 31.5, tàu hàng có tải trọng hơn 900 tấn đã di chuyển an toàn qua hầm đường sắt Chí Thạnh (huyện Tuy An), chính thức nối lại tuyến đường sắt Bắc - Nam sau 10 ngày xảy ra sự cố sạt lở.

Trong chiều 31.5, đoàn tàu mang số hiệu HSE9 di chuyển từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn sẽ là đoàn tàu chở khách đầu tiên lưu thông qua hầm đường sắt Chí Thạnh, tiếp đó là các chuyến tàu SE21, SE8.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh khiến cho tuyến đường sắt qua khu vực này bị ách tắc trong nhiều ngày. Từ khi xảy ra sự cố đến nay, ngành đường sắt đã trung chuyển 128 chuyến tàu với hơn 36.000 hành khách.

Hầm đường sắt Chí Thạnh được thông tàu vào trưa 31.5. Ảnh: Hoài Luân

Sau khi hầm đường sắt Chí Thạnh được thông suốt, đơn vị thi công sẽ tiếp tục kiểm tra và sửa chữa hầm cho đến khi đủ điều kiện an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật, sau đó sẽ nâng tốc độ của các tàu qua hầm lên 15km/h.

Hiện nay, toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam còn 12 hầm đường sắt xuống cấp cần sửa chữa, khắc phục để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu.

Tập đoàn Đèo Cả đưa nhân lực, máy móc vào khắc phục sạt lở sau đề nghị của chủ đầu tư. Ảnh: Thế Sơn

Ông Nguyễn Thanh Hoài - Giám đốc Ban QLDA 85 - cho biết, Ban đã huy động công nhân phối hợp với lực lượng Chi nhánh khai thác Đường sắt Phú Khánh, đồng thời huy động thêm Tập đoàn Đèo Cả cùng thiết bị máy móc hiện đại tham gia khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh.

Những ngày qua, hơn 200 cán bộ, công nhân chia thành 3 ca túc trực 24/24h tại hiện trường để thi công khoan neo tạo vòm sắt, phun bê tông vào vị trí sạt lở, thu dọn lớp đất đá đưa ra ngoài.

Quá trình thực hiện, công nhân gặp nhiều khó khăn khi thời tiết bất lợi. Bên cạnh đó, do địa chất phức tạp, lớp đất đá tại khu vực hầm bị phong hóa lâu ngày, ít liên kết, dễ sạt lở.

Trước đó, ngày 23.5, Đoàn công tác của Bộ GTVT đã đến kiểm tra hiện trường sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh. Tại đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã yêu cầu Ban QLDA 85 và đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành sửa chữa, sớm hoàn thành khắc phục sự cố sạt lở.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, hầm Chí Thạnh là 1 trong số 11 hầm đường sắt thuộc dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, đang được Bộ GTVT triển khai, với tổng kinh phí thực hiện 7.000 tỉ đồng, do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư.

Hiện, dự án đã cải tạo, kiên cố hóa được 9 hầm, còn 2 hầm đang khắc phục là hầm đường sắt Chí Thạnh và hầm Bãi Gió (Khánh Hòa). Tuy nhiên, địa chất tại 2 hầm đường sắt này rất phức tạp, không phải là đá cứng. Bên cạnh đó, trên đỉnh 2 hầm đường sắt là tuyến đường bộ đang được khai thác nên công tác khắc phục còn gặp khó khăn.

Như Báo Lao Động đã đưa tin, khoảng 10h15 ngày 21.5, một lượng đất đá trong hầm đường sắt Chí Thạnh đã bất ngờ đổ xuống khi tàu công trình đang thực hiện công tác gia cố hầm, khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 30m3. Đến sáng 26.5, tại vị trí sạt lở cũ, một lượng lớn đất đá (khoảng 260m3) lại tiếp tục sạt xuống.

Trước đó, vào đầu tháng 4.2024, hầm Bãi Gió thuộc tỉnh Khánh Hòa cũng bị sạt lở, khiến hệ thống giao thông đường sắt Bắc - Nam bị chia cắt trong 10 ngày, gây thiệt hại cho ngành đường sắt hơn 50 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn