MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiều 29.8.2023, mưa lớn kéo dài trong 3 giờ, khiến cho nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Quảng Ngãi bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Ngọc Viên

Chờ 1.000 tỉ đồng chống ngập, xử lý nước thải cho TP Quảng Ngãi

Ngọc Viên LDO | 14/09/2023 07:08

Để chống ngập và xử lý ô nhiễm môi trường vì không có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, UBND tỉnh Quảng Ngãi đang trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 1.000 tỉ đồng để làm hệ thống tiêu thoát nước mưa, xử lý ô nhiễm môi trường cho TP Quảng Ngãi. Người dân mong mỏi từng ngày dự án này được triển khai…

Hệ thống thoát nước nhỏ, không đồng bộ

TP Quảng Ngãi hiện có gần 104km đường ống thoát nước và 6,5km tuyến kênh. Khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi có hồ điều hòa Bàu Cả và hồ điều hòa Nghĩa Chánh.

Nguyên nhân khiến TP Quảng Ngãi thường xuyên ngập mỗi khi có mưa lớn là do hệ thống thoát nước được xây dựng trước năm 2000, nhỏ và không đồng bộ, còn nhiều bất cập. Nhiều tuyến kênh thoát nước chính như kênh Bàu Sắt, kênh Bàu He, các hồ điều hòa Bàu Cả, Nghĩa Chánh bị bồi lắng, cỏ dại xâm lấn nhưng không được nạo vét, khơi thông, làm giảm dung tích chứa, ảnh hưởng rất lớn đến đường chảy thoát nước từ khu vực nội thành ra các sông.

Mới đây nhất, vào chiều 29.8.2023, một trận mưa với lưu lượng 105mm, kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ đã khiến hàng loạt các tuyến đường ở trung tâm TP Quảng Ngãi như Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Nguyễn Nghiêm... bị ngập nặng, giao thông tê liệt.

Bà Phạm Thị Thu ở phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi cho biết: “Nhà ở đường Trần Hưng Đạo, mỗi khi có mưa lớn kéo dài là nước ngập cuốn theo rác thải tấp vào thềm nhà. Đường sá thì bị ngập nặng”.

Đặc biệt một nguyên nhân gây ngập ở TP Quảng Ngãi là hiện nay, hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đang đi chung. Hai dòng nước đều nhập chung vào cống. Dẫn đến vào mùa khô, mức độ pha loãng thấp, các miệng cống bốc mùi nồng nặc.

Để giảm mùi hôi thối bay vào nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như kinh doanh, người dân TP Quảng Ngãi dùng các bao tải hay các vật dụng khác bịt miệng cống để ngăn mùi hôi. Tuy nhiên, khi mưa lớn thì người dân lại “quên” lấy các vật dụng này khiến nước không thoát được, cũng là nguyên nhân gây ngập cục bộ ở TP Quảng Ngãi.

Người dân mong mỏi từng ngày

Năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi chủ trương đầu tư Dự án hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của TP Quảng Ngãi. Dự án được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chủ đầu tư nhận thấy với quy mô và tổng mức đầu tư được duyệt, dự án chỉ đảm bảo giải quyết thu gom, xử lý nước thải cục bộ ở các cửa xả phía nam thoát ra sông Trà Khúc; chưa đảm bảo xử lý triệt để nước thải của TP Quảng Ngãi thoát ra lưu vực phía nam sông Trà Khúc.

Đồng thời, mục tiêu đầu tư của dự án chưa bao gồm thoát nước mưa và chống ngập, trong khi hạ tầng thoát nước mưa và nước thải đang đi chung. Nếu chỉ thu gom nước thải mà không kết hợp xử lý thoát nước mưa, chống ngập thì không phát huy được tối đa hiệu quả đầu tư.

Vì vậy, nhằm đảm bảo mục tiêu cả tiêu thoát nước mưa và xử lý nước thải lưu vực phía nam sông Trà Khúc, phát huy tối đa hiệu quả của dự án, UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 1.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện 2024 - 2027.

Theo Lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh, vấn đề thoát nước mưa và xử lý nước thải ở TP Quảng Ngãi đang rất cần thiết và cấp bách, nếu không có giải pháp kịp thời thì vấn đề ngập úng và ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sự phát triển bền vững của TP Quảng Ngãi.

Tại cuộc họp, về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của TP Quảng Ngãi vào ngày 12.9, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh thống nhất về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 300 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng. Ông Đặng Văn Minh yêu cầu Sở KHĐT tiếp thu các ý kiến của các sở, ngành liên quan tại cuộc họp, hoàn thiện các tờ trình, dự thảo nghị quyết để xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp sắp tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn