MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chó nghiệp vụ hỗ trợ các chiến sĩ biên phòng Lạng Sơn chống dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Đông

Chó nghiệp vụ hỗ trợ bộ đội biên phòng Lạng Sơn phòng, chống dịch COVID-19

Phạm Đông - Việt Dũng LDO | 27/03/2020 06:44

Để đảm bảo công tác tuần tra, kiểm soát khu vực đường biên giới trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã được tăng cường thêm học viên Học viện Biên phòng. Đặc biệt, đơn vị này đã được hỗ trợ thêm 3 chú chó nghiệp vụ để giúp các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Trong chuyến công tác lên Đồn Biên phòng Ba Sơn (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp trò chuyện với nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Đặc biệt, những chia sẻ của huấn luyện viên chó nghiệp vụ đang công tác tại đây giúp tôi đã hiểu được phần nào nỗi vất vả, nguy hiểm của công việc đặc biệt này.  

Trung úy Nguyễn Tuấn Anh (30 tuổi), thuộc Cụm cơ động chó nghiệp vụ 1, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết, anh được trường điều động, tăng cường xuống chốt Pò Nhùng (xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc – tiếp giáp với Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc) từ ngày 7.3 để chống dịch COVID-19.

Trong chuyến đi công tác lần này, Trung úy Tuấn Anh được được mang theo một chú chó nghiệp vụ có tên Rếch Mơ (5 năm tuổi – dòng Berger Đức) để phối hợp làm nhiệm vụ.

Chó nghiệp vụ tuần tra kiểm soát khu vực biên giới. Ảnh: Phạm Đông

Kể từ ngày nhận nhiệm vụ, khi chú chó nghiệp vụ quen với điều kiện thời tiết, khí hậu đã giúp ích rất nhiều cho anh và những đồng đội khác đang làm nhiệm vụ chống dịch. Các lực lượng đã phối hợp phát hiện nhiều trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, đưa vào khu cách ly tập trung tại tỉnh.

Vì đã được huấn huyện bài bản nên dù các đối tượng có ẩn náu và bỏ chạy cũng không qua được cặp mắt và đôi chân to khỏe của chú chó nghiệp vụ. 

Trung úy Tuấn Anh cùng chú chó nghiệp vụ nghỉ ngơi trong khi đi tuần.

Trong lúc đi tuần tra, Trung úy Tuấn Anh cho biết, theo quy định các huấn luyện viên chó nghiệp vụ như anh sẽ được tuyển chọn hết sức khắt khe. Điều đầu tiên phải đáp ứng trước khi trở thành một huấn luyện viên chó nghiệp vụ phải là người yêu thương động vật và có sức khỏe tốt. 

Để huấn luyện được một chú chó chiến đấu tốt, công tác lựa chọn chó cũng gắt gao. Đó là những chú chó được sàng lọc từ nhiều con chó khoảng 1 đến 2 tuổi, có sức khỏe tốt. Nhận chó xong, huấn luyện viên vừa phải chăm sóc chó, vừa huấn luyện nghiệp vụ. 

 Trung úy Tuấn Anh coi chú chó Rếch Mơ như một người bạn, đồng đội

Thông thường, mỗi cặp “huấn luyện viên – chó nghiệp vụ” là một cặp đôi thân thiết, cả trong sinh hoạt lẫn công tác. Sau mỗi buổi tập luyện, các huấn luyện viên đều chăm sóc rất kỹ người bạn của mình như cho ăn, chơi đùa, tắm rửa… để tình cảm giữa huấn luyện viên và chú chó thêm gắn bó.

“Tùy vào đặc điểm, thể trạng của từng con mà các huấn huyện viên sẽ phân loại để huấn huyện. Với những con có thần thái, mắt dữ, nanh dài sẽ được tuyển chọn để huấn huyện chiến đấu. Còn những con có cánh mũi to, khoang mũi rộng thì sẽ được cho vào huấn luyện ngành ma túy và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn” – Trung úy Tuấn Anh chia sẻ.

Chú chó này cùng chủ nhân nhận nhiệm vụ tại đây từ ngày 7.3.

Theo phân tích, do đặc tính nổi bật của chó nghiệp vụ là mũi có khả năng đánh hơi cực nhạy và có thể phân biệt được rất nhiều mùi vị khác nhau. Chúng có thể phân biệt được 4 loại ma túy cho dù đối tượng có giấu tinh vi như thế nào.

“Trong quá trình huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ, đòi hỏi huấn luyện viên phải thực sự yêu chó, can đảm, dũng cảm. Bởi, trong quá trình huấn luyện lẫn chiến đấu, độ nguy hiểm, rủi ro rất cao, thường xuyên bị chó cắn, hoặc đối mặt với nhiều loại tội phạm nguy hiểm” – Trung úy Tuấn Anh cho biết thêm.

Một ngày chú chó Rếch Mơ sẽ ăn hết khoảng 300 gam thịt hộp và 700 gam cám khô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn