MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một giao địch được thực hiện khi cho nhận trẻ

"Cho - nhận" trẻ: Cứ có giao dịch chuyển tiền là phạm pháp

Dung Hà LDO | 01/01/2018 18:00
Việc cho, nhận con nuôi vốn được xem là hành động nhân đạo. Tuy nhiên, nếu xuất hiện giao dịch chuyển tiền trong việc này thì đây lại trở thành hành vi vi phạm pháp luật.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những nhóm được thành lập mang danh nghĩa “gieo duyên” cho các bố mẹ hiếm muộn, thế nhưng thực chất đây chỉ là “cái chợ” mua bán trẻ em. Theo đó, các trẻ sẽ được “giao dịch” với giá từ 20-30 triệu đồng/ trẻ, tùy theo thỏa thuận của người “cho” và người “nhận”.

Sau khi xem xét các hành vi nói trên, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định, những hoạt động của nhóm “cho – nhận” con nói trên là vi phạm pháp luật. Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu của tội mang thai hộ vì mục đích thương mại, bên cạnh đó hành vi này cũng có dấu hiệu ở tội mua bán người dưới 16 tuổi.

“Việc một người có thai nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con nên cho những người hiếm muộn nuôi dưỡng vì mục đích nhân đạo và người nhận có thể bồi dưỡng cho người sinh một chút tiền, điều này nghe có vẻ nhân đạo và hợp lý. Tuy nhiên, xét về khía cạnh pháp luật thì điều này không phù hợp với luật pháp”, luật sư Truyền phân tích.

Cũng theo LS, việc xác định chủ thể trong việc này là khá khó khăn trong môi trường internet, song khi đã có giao dịch chuyển tiền thì sẽ tìm ra dấu vết. Và nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, những đối tượng này có thể bị khép vào tội “Mua bán trẻ em” theo điều 151, Bộ luật Hình sự 2015. Hình phạt cho tội danh này có thể từ 7-12 năm tù giam.

Nhiều người còn cho biết đã “mất trắng” cả trăm triệu đồng cho những chi phí bồi dưỡng, chăm sóc các mẹ bầu trong nhóm “Cho và nhận con nuôi (Cấm mua bán)” trên facebook, thế nhưng con không được nhận. Theo luật sư, hành vi này có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

“Đó là còn chưa kể đến việc có nhiều đối tượng mang thai giả để lừa đảo các gia đình hiếm muộn, mong muốn có con. Việc này không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức, làm mất niềm tin của xã hội, mất sự nhân đạo vốn có của việc cho nhận con nuôi”, LS Truyền phân tích.

Bên cạnh đó, nhiều người trong nhóm này còn vi phạm các quy định tại Điều 22 của Luật Nuôi con nuôi. Bởi lẽ khi nhận con nuôi, người nhận nuôi phải có đầy đủ năng lực hành vi, có sức khỏe, có năng lực kinh tế, có tư cách đạo đức; người cho phải có lý do cụ thể, chính đáng. Và việc này phải có sự xác nhận của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật.

Trước dạng tội phạm mới trên môi trường internet, khó định danh và kiểm soát như trên, theo LS Truyền rất cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ban, ngành bao gồm cục Bảo vệ trẻ em, Công an, Cảnh sát về công nghệ cao...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn