MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dùng cát biển để đắp nền đường là giải pháp tối ưu. Ảnh: VLXD

Cho phép dùng cát biển để đắp nền đường

Đặng Tiến LDO | 24/10/2022 07:00

Bộ GTVT đã thống nhất đề xuất của Ban QLDA Mỹ Thuận thí điểm dùng cát biển để đắp nền đường. Việc dùng cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ bổ sung cho nguồn cát sông đang bị thiếu hụt ở khu vực ĐBSCL và được xem là giải pháp thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm tại đây.

Cần trên 36 triệu mét khối cát đắp đường

Theo ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Bộ GTVT, hiện một số đơn vị đã nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng sau khi Đề tài “Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san, đắp nền đường” của Bộ KHCN công bố triển khai. Cùng với đó, Bộ TNMT cũng đang đề xuất thực hiện dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL”.

Hiện các đơn vị đã đưa ra các kết quả nghiên cứu ban đầu và tại các hội nghị khoa học chuyên đề, các nhà khoa học đã thống nhất có thể xem cát biển là vật liệu đắp nền đường thông thường đặc thù.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi 6 địa phương gồm: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng đề nghị hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ cho các dự án xây dựng đường cao tốc trong khu vực ĐBSCL.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2022 - 2025, Bộ GTVT sẽ triển khai 4 dự án đường cao tốc ở khu vực ĐBSCL gồm cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Mỹ An-Cao Lãnh và An Hữu-Cao Lãnh do đó nhu cầu cần sử dụng khoảng 36 triệu mét khối cát đắp nền.

Nếu sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay thì trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Bộ GTVT đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn trong quá trình điều tra, khảo sát các mỏ vật liệu trên địa bàn.

Do đó, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất triển khai theo nghiên cứu, đánh giá thí điểm vật liệu đặc thù và yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần thống nhất quan điểm triển khai, từ đó phổ biến quan điểm trong hệ thống các văn bản triển khai nhiệm vụ, các hội nghị khoa học nhằm đạt được sự đồng thuận của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia.

Để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy trình, cơ sở pháp lý với mục đích sử dụng cát biển làm vật liệu cho các dự án, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận, hoàn chỉnh nội dung triển khai chi tiết và nguồn vốn thực hiện nghiên cứu, phân tích đánh giá đầy đủ các yếu tố kinh tế kỹ thuật, điều kiện áp dụng của các phương án... để từ đó đề xuất phương án tối ưu.

Sử dụng cát nhiễm mặn là cần thiết

Đại diện Bộ GTVT cho rằng, trong quá trình đánh giá cần xét đến các phương án sau này có thể sử dụng với khối lượng cát biển lớn.

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận, phân chia các trường hợp khác nhau, có tính bao quát, đảm bảo tính khả thi, có đánh giá về các chỉ tiêu kinh tế  kỹ thuật để đề xuất.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT, việc áp dụng vật liệu cát nhiễm mặn (cát biển) để đắp nền đường ở ĐBSCL vào thời gian tới là cần thiết. Trong các giải pháp khả thi tìm kiếm vật liệu thay thế cát sông, khả thi nhất là phương án nghiên cứu sử dụng cát biển hoặc cát nhiễm mặn thi công nền đường. Tuy nhiên, cần hoàn thiện kỹ thuật, thí điểm ngoài thực tế với công trình giao thông.

Liên quan đến vị trí thí điểm, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận và tư vấn rà soát, phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng lựa chọn vị trí đáp ứng các mục tiêu của công tác thí điểm, có thể theo dõi đánh giá cả quá trình xây dựng, thi công, nghiệm thu và khai thác; có xem xét đến các vấn đề liên quan đến tình huống thành công và không thành công của quá trình nghiên cứu, đánh giá thí điểm.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, các phương án thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật thi công liên quan đến việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường và hoàn thiện hệ thống đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan công tác thi công hạng mục nền đường sử dụng cát biển làm vật liệu đắp…

Bộ GTVT yêu cầu rà soát tiến độ tổng thể nhằm đảm bảo hướng tới các yêu cầu chung của các dự án xây dựng các công trình giao thông trong khu vực ĐBSCL.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn