MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều khu chợ nằm ở trung tâm TP Hà Nội gần đây rơi vào cảnh ế ẩm. Ảnh: Lan Nhi

Chợ xây dựng tiền tỉ nhưng vẫn vắng tiểu thương

LAN NHI LDO | 26/04/2023 08:09

Được đầu tư xây dựng với nguồn vốn lớn, tuy nhiên, nhiều khu chợ nằm ở trung tâm TP Hà Nội gần đây đã không còn cảnh buôn bán nhộn nhịp, khiến nhiều tiểu thương buộc phải tháo chạy, đóng cửa nghỉ kinh doanh. 

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, dù đã được đầu tư cải tạo với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng thế nhưng khu chợ Hàng Da (Cửa Đông, TP Hà Nội) có tổng diện tích 3.700 m2, 5 tầng nổi và 2 tầng hầm đến nay vẫn không thể tìm lại vẻ sầm uất như ngày xưa.

Bà Lê Hiền (chủ cửa hàng kinh doanh rượu bia tại chợ Hàng Da, Hà Nội) chia sẻ, khu chợ được xây dựng cách đây hơn 10 năm nhưng do kết cấu, cách tổ chức không phù hợp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc buôn bán, kinh doanh của tiểu thương. Theo bà Hiền, dù được xây dựng với số vốn hàng trăm tỉ đồng nhưng nhiều khách hàng, khách du lịch khi vào chợ dân sinh thường cảm thấy bất tiện khi phải gửi xe dưới tầng hầm hoặc gửi xe ở ngoài vỉa hè. 

"Đa số khách du lịch khi vào đến cửa thấy các kiốt nghỉ bán hàng loạt gần đây thì cũng sẽ chán nản đi ra. Bỏ ra khoảng 10 cây vàng để mua kiốt kinh doanh nhưng từ khi chợ xây lên kín bưng như cái lô cốt, nhiều tiểu thương ở đây đang gặp khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng" - bà Hiền nói. 

Buôn bán khó khăn, không ít tiểu thương tại chợ Hàng Da cũng đã phải treo biển cho thuê hay sang nhượng kiốt. Chị Thu (kinh doanh quần áo tại chợ Hàng Da) nói, trung bình ở đây mỗi sạp hàng đang cho thuê từ 10 - 15 triệu/tháng. Chợ vắng vẻ, mỗi ngày mở cửa ra tiểu thương như chị phải kiếm được 1 triệu đồng/ngày thì may ra mới có lãi.

Tương tự, chị Thu Hiền (chủ cửa hàng kinh doanh tại chợ Mơ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, sau dịch COVID-19, do công việc kinh doanh không mang lại lợi nhuận, nhiều tiểu thương ở đây đã phải treo biển cho thuê lại kiốt, cửa hàng, để đi chỗ khác làm ăn hoặc đóng cửa nghỉ bán dài ngày vì chợ ế ẩm, thu không đủ chi.

Mới đây, TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo quận, huyện, thị xã trong quý I/2023, báo cáo về công tác quản lý, đầu tư chợ trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện nay, toàn TP Hà Nội đang có khoảng 453 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 58 chợ hạng 2, 348 chợ hạng 3, 8 chợ phải cải tạo hệ thống phòng cháy, chữa cháy và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng, 24 chợ đề nghị không phân hạng do chờ giải tỏa.

Về công tác đầu tư xây mới, cải tạo và sửa chữa các chợ, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12.10.2021 về phát triển và quản lí chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong năm 2023, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ.

KTS Lê Văn Lân - nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội - trước đó phân tích, đi chợ vốn đã trở thành văn hóa của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. Nhiều chợ được xây mới tại Hà Nội, tuy có hạ tầng hiện đại nhưng người dân vẫn không mặn mà là do sự bất tiện về vị trí, họ đến chợ phải tìm nơi gửi xe và đi xuống hầm, chưa kể giá các sản phẩm cao hơn chợ dân sinh khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn