MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cho xe đi vào làn BRT: Liệu có xung đột giữa các phương tiện?

Cường Ngô LDO | 26/02/2018 18:36
Theo ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, đây là một trong những biện pháp trung tâm đang nghiên cứu, chứ chưa đề xuất Sở GTVT hay UBND TP Hà Nội.

Hôm nay (26.2), báo chí đưa tin Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đề xuất TP Hà Nội cho phép các tuyến buýt thường được sử dụng chung làn đường dành riêng của tuyến buýt nhanh BRT 01 (bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã) từ 4h sáng đến 23h, các phương tiện khác được sử dụng đường BRT từ 23h đến 4h sáng hôm sau.

Trả lời Báo Lao Động, ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, đây là một trong những biện pháp trung tâm đang nghiên cứu, chứ chưa đề xuất Sở GTVT hay UBND TP Hà Nội.

Sau khi tham khảo, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và người dân, trung tâm sẽ báo cáo Sở GTVT Hà Nội.

 Làn đường dành riêng cho BRT.

Khi phóng viên hỏi, để các phương tiện khác đi vào làn BRT liệu có xảy ra xung đột giao thông hoặc dễ gây tai nạn khi buýt thường đi vào làn BRT (bên trái) nhưng lại đón, trả khách bên phải đường, ông Phương cho hay những vấn đề này đang được trung tâm nghiên cứu, khảo sát, có đánh giá rất cụ thể.

"Quan điểm xuyên suốt của trung tâm là BRT phải có làn đường riêng - đó là nguyên tắc số 1. Những phương án kia nếu thực hiện được thì cũng giúp BRT tiếp cận tốt hơn thôi".

Phóng viên đặt vấn đề, nếu cho các phương tiện khác đi vào làn BRT từ 23h đêm đến 4h sáng cũng không khác hiện tại là mấy, bởi khung giờ này rất ít người, thậm chí không có người tham gia giao thông, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho hay, chuyện này cũng đang được nghiên cứu rất kỹ lưỡng để phù hợp với thực tế.

"Về mặt pháp luật, làn đường dành riêng phải là làn đường dành riêng, các phương tiện khác phải tuân thủ luật giao thông đường bộ, trừ những đối tượng, phương tiện được luật giao thông đường bộ cho phép, như xe cứu thương, cứu hỏa, xe dẫn đoàn...", ông Phương cho biết.

Đánh giá tác động của BRT trong hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội và nhu cầu đi lại của người dân thủ đô sau 1 năm vận hành cho thấy, bước đầu người dân đã chấp nhận, với xấp xỉ 5 triệu lượt hành khách.

Thời gian tới, trung tâm tiếp tục rà soát việc hợp lý hóa mạng lưới tăng kết nối tuyến BRT. Nghiên cứu bổ sung thêm xe vận hành vào giờ cao điểm.

Nghiên cứu điều chỉnh điểm dừng, tạo kết nối với BRT với điểm dừng 2 bên đường của xe buýt thường. Đề xuất bố trí dải phân cách cứng giữa là BRT và giao thông chung. Sử dụng thẻ, vé điện tử, nghiên cứu bố trí nhà vệ sinh....

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn