MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hạ tầng nhiều dự án tại huyện Mê Linh (Hà Nội) xây dựng dở dang, đất đai bỏ hoang... Ảnh: Cao Nguyên

"Chôn" tiền tỉ vào đất rồi… bỏ hoang

Cao Nguyên LDO | 16/03/2022 10:00

Tình trạng nhà đầu cơ mua đất đai rồi bỏ hoang, thậm chí có những dự án lớn không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện sau khi được Nhà nước chấp thuận với nhiều lý do khác nhau đang ngày một phổ biến. Hiện tượng này đang khiến thị trường bất động sản trở nên mất cân đối và phát triển thiếu bền vững. Giá nhà bị đẩy lên cao và nguy cơ bong bóng trên thị trường bất động sản hiện hữu. Tài nguyên đất đai chậm được đưa vào sản xuất, không phát huy được vai trò quan trọng của đất đai trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 

“Ôm đất” rồi bỏ hoang

Những năm gần đây, khu vực phía Tây dọc trục Láng - Hòa Lạc được xem là điểm nóng. Không ngồi chờ hết dịch, giới nhà giàu Hà Nội đang đổ tiền săn đất giá rẻ. Mấy tháng nay, ông Quân (một nhân viên môi giới nhà đất tại huyện Ba Vì) liên tục nhận được điện thoại tư vấn mua đất. Ông cho hay, có tuần cao điểm một ngày có 2-3 đoàn đi khảo sát tìm mua đất. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đặt cọc để mua dù mức giá hiện lên khá cao.

Ông Quân chia sẻ, nhu cầu mua đất tại các thôn, xã ở Ba Vì gần đây tăng mạnh. Người mua chủ yếu để đầu tư, tuy nhiên so với thời điểm sốt cách đây chục năm, thị trường có nhiều thay đổi. Người mua cẩn trọng hơn trong việc đánh giá tiềm năng và không tăng giá mạnh.

Chị Bích Phương (45 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) kể, nghề chính của chị là kinh doanh trường mầm non, nhưng cầm cự đến cuối năm 2020, chị buộc phải dừng vì bị ảnh hưởng của COVID-19. Sau khi thu hồi vốn, chị đầu tư đất nền ở Hòa Bình và may mắn là các lô của chị từ đầu năm 2021 đến nay đều tăng giá.

Dù thế, chị chưa chốt lời mà vẫn đang theo dõi diễn biến thị trường. Trong tổng tiền chị Phương "ném" vào bất động sản có đến một nửa là chị đi vay ngân hàng. Nhưng tính ra, lãi suất ngân hàng thấp mà phần lãi thu về từ các lô đất đã mua cao hơn nhiều nên chị chờ giá tăng thêm để bán, đem tiền đầu tư chỗ khác.

Tình trạng “găm” đất rồi để hoang không chỉ diễn ra ở cá nhân, nhóm khách hàng nhỏ lẻ mà các dự án “siêu đầu cơ” cũng ôm đất. Riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM hiện có hàng trăm dự án ôm đất bỏ hoang không triển khai hàng chục năm còn không ít dự án tìm quỹ đất mà không có.

Theo UBND TP.Hà Nội, hiện Hà Nội có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý. Trong đó, 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm giải phóng mặt bằng, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.

Đáng chú ý, hàng loạt dự án mặc dù UBND TP.Hà Nội đã có quyết định giao đất, cho thuế đất, đồng thời cũng hết thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng hoặc đang bị điều tra xem xét xử lý, như: Dự án nhà máy sản xuất thẻ thông minh (lô B1-F, cụm tiểu thủ công nghiệp vừa nhỏ, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy); Bệnh viện Quốc tế 500 giường (Dương Nội, Hà Đông); Xây dựng xưởng in và cơ sở biên tập (Thượng Thanh, Long Biên); Trung tâm thương mại và văn phòng HESCO (Văn Quán, Hà Đông); Dự án xây dựng bệnh viện Việt Mỹ (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì)...

Tại huyện Mê Linh, UBND TP.Hà Nội cho biết, sau thời điểm hợp nhất, mở rộng Thủ đô (năm 2008), huyện này có 51 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.759,5ha. Trong đó, 50 dự án đã được giao chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư vẫn chậm và đang hoàn chỉnh các thủ tục: Điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Thời điểm vào đầu năm 2022, ghi nhận của PV Lao Động cho thấy, nhiều dự án như Khu đô thị Cienco 5, Khu đô thị Minh Giang - Đầm Và, VIT Tiền Phong, Chi Đông… còn chưa xong hạ tầng, thậm chí cũng chưa giải phóng xong mặt bằng. Đa phần diện tích các dự án còn bỏ hoang hoặc làm chỗ chăn thả trâu bò. Người ta chỉ có thể phân biệt được đó là đất dự án qua những tấm biển mờ hết chữ, rách nát được cắm bên đường.

Tăng giá sau nhiều năm "đắp chiếu"

Thực tế, không ít dự án sau thời gian "đắp chiếu" bỗng dưng được khởi động trở lại khi được thay chủ mới, được điều chỉnh quy hoạch theo hướng có lợi cho chủ đầu tư… Khi dự án bỏ hoang hồi sinh thì giá bất động sản cũng tăng cao ngất ngưởng, đặc biệt ở những dự án có vị trí "đất vàng".

Có thể kể đến sự tái sinh sau cả thập kỷ đắp chiếu, dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) đang trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản phía Nam Thủ đô với tên gọi Louis City Hoàng Mai. Giá các sản phẩm nhà liền kề, biệt thự của dự án này được rao bán tăng liên tục và đã đạt hơn 100 triệu đồng/m2 ở thời điểm hiện tại.

Tuy vậy, tình trạng đất bỏ hoang còn diễn ra nhiều siêu dự án đang sở hữu vị trí "đất vàng" của Thủ đô. Đơn cử như, tại quận Hoàng Mai, 21,5ha "đất vàng" dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh tại phường Thịnh Liệt và Hoàng Liệt bỏ hoang 10 năm nay. Hay dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư, kéo dài suốt 17 năm không triển khai.

Thực tế, theo tìm hiểu của PV, dù đang là những dự án bỏ hoang, xây dựng dở dang nhưng đất đai khu vực dự án bỏ hoang như ở Mê Linh không nằm ngoài các cơn "sốt đất" vừa qua. Đỉnh điểm như đầu năm 2021, hàng loạt nhà đầu tư đã "rồng rắn" đổ về các dự án bất động sản này để tìm kiếm đầu tư. Giá đất ở các dự án này cũng đang được rao bán từ 17 triệu đồng đến khoảng 30 triệu đồng/m2 tùy vị trí, cao hơn 10 đến 20 giá so với thời điểm 3 năm trước.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho biết, đất nền chính là "món ăn" hấp dẫn nhất các nhà đầu tư tài chính này bởi khả năng sinh lời ngắn hạn hoặc ý định "găm" đất để chờ lên giá...

"Nếu đất đai không được đưa vào sử dụng đúng mục tiêu, phù hợp quy hoạch, phù hợp phát triển kinh tế thì nó sẽ không tạo ra động lực kích thích phát triển kinh tế".

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn