MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vào dịp tết, các cơ sở thờ tự tổ nhiều nhiều hoạt động tôn giáo thu hút nhiều người dân tham gia. Ảnh: PG

Chống dịch tại cơ sở tôn giáo: Mỗi tín đồ phải có ý thức phòng dịch

Huân Cao - Nam Hiệp LDO | 31/01/2021 10:28

Các cơ sở tôn giáo tổ chức nhiều nghi lễ cúng bái thu hút đông đảo người dân đến tham gia vào dịp Tết. Trong tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, mỗi người dân, tín đồ tôn giáo cần tự giác nâng cao ý thức phòng chống dịch khi đến tham gia tại các cơ sở thờ tự.

Nhiều nghi lễ cúng bái vào dịp tết

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho biết, vào dịp Tết cổ truyền thì Phật giáo có nhiều nghi lễ văn hóa Phật giáo và lễ cúng tại các cơ sở thờ tự thu hút đông đảo người dân, phật tử đến tham gia.

Công tác phòng chống dich luôn được chùa Tường Nguyên phổ biến đến tăng ni và phật tử. Ảnh: PG

Theo Thượng tọa Nhật Từ, tại Việt Nam, ngày 23 tháng chạp được xem là ngày đưa ông Táo về trời, ngày đó xem như ngày cúng chư Thiên. Ngày 30 tháng chạp thì các chùa trang hoàng để chuẩn bị đón giao thừa, chuyển giao một năm mới, khép lại năm cũ.

"Vào lúc khoảng 11h30 - 12h tối 30 tháng chạp, tất cả các chùa đồng loạt tổ chức đêm cúng giao thừa, có nơi thỉnh 18 tiếng chuông để bắt đầu cho giao thức năm mới. Lễ cúng này rất quan trọng, cúng mừng Phật Di Lặc, cầu chúc cho thế giới được hòa bình, đất nước Việt Nam thuận lợi phát triển, nhà nhà cơm no áo ấm, mọi người được hạnh phúc, bình an." - Thượng tọa Nhật từ chia sẻ.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phật tử thường đi 10 ngôi chùa vào đầu năm, bắt đầu từ ngôi chùa mà mình gắn kết, sinh hoạt hàng ngày và kết thúc ở một ngôi chùa mà họ thích. Đây là một văn hóa rất lâu đời, tại miền Bắc, các tỉnh Bắc Trung Bộ thì không chỉ dừng lại ở ngày mùng 1, mà người dân còn đi lễ hội chùa suốt cả tháng giêng để gieo phúc đầu năm, nên lượng người tham gia càng đông hơn.

Thượng tọa Thích Nhật Từ trao đổi với PV Báo Lao Động. Ảnh: Huân Cao

Người dân, tín đồ phải có ý thức phòng dịch

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, thông tư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu rất rõ về công tác chống dịch, tất cả các chùa phải tuân thủ theo thông báo của các Sở Y tế tại các tỉnh, thành.

"Nếu như công tác chống dịch trong vòng 10 ngày có thể khống chế thành công, thì chúng ta vẫn có cơ hội tổ chức lễ Tết truyền thống gắn liền với mừng xuân Di Lặc như mọi năm. Nếu chúng ta không may mắn được như thế, thì lúc đó có thể tổ chức mừng Tết truyền thống online giống như mùa Phật Đảng và mùa Vu lan báo hiếu vừa qua. Tuy nhiên, khi đến chỗ đông người, dù ở những khu vực đang báo động dịch lây lan hay những khu vực hoàn toàn bình an, thì mỗi người dân hoặc phật tử đều phải có ý thức phòng dịch như đeo khẩu trang, giản cách xã hội 2m và hạn chế đến những nơi đông người." - Hoà thượng Nhật Từ nói.

Hòa thượng Nhật từ cung cấp thêm thông tin, năm 2020 mặc dù nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng dương là một kỳ tích rất đáng tán dương và phát huy.

"Tôi tin rằng khi vắc-xin được thành công ở nhiều quốc gia, thì tăng trưởng ở Việt Nam trong năm 2021 có thể lên đến 5-6%. Muốn đạt được như thế, thì tất cả chúng ta phải tạo ý thức về an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng để đẩy mạnh sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Đây là trách nhiệm chung của mỗi người dân, trong đó có những nhà hoạt động tôn giáo là 57.000 Tăng Ni đang hành đạo tại hơn 18.000 ngôi chùa trên toàn quốc." - Thượng tọa Nhật từ nói.

Theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, Trung ương GHPGVN đã yêu cầu các chùa phải tăng cường công tác phòng chống dịch trong dịp Tết này. Ảnh: Huân Cao

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn Phòng II, Trung ương GHPGVN cho biết, trước tình hình dịch tái phát ở một số tỉnh, thành, GHPGVN đã yêu cầu các chùa, cơ sở thờ tự tăng cường công tác chống dịch trong hoạt động cúng bái và nghi lễ truyền thống vào dịp tết Tân Sửu này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn