MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lớp dạy bơi cho trẻ miễn phí tại Yên Sơn (Tuyên Quang).

Chống đuối nước cho trẻ nông thôn - bức thiết hơn khi hè đến

Phong Quang LDO | 08/05/2022 16:06

Chỉ trong vài tháng đầu năm 2022, hàng chục vụ đuối nước xảy ra ở các địa phương đã khiến nhiều em nhỏ tử vong thương tâm và xảy ra chủ yếu tại những khu vực nông thôn. Câu chuyện trang bị kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em khu vực này trở nên bức thiết đặc biệt khi mùa hè đã cận kề.

Anh Nguyễn Văn Sướng thôn Bản Kè, xã Lăng Can (Lâm Bình, Tuyên Quang) vẫn day dứt khi nhớ lại sự ra đi thương tâm của đứa con trai 4 tuổi vào tháng 8.2019. Sự việc diễn ra quá nhanh, đứa nhỏ đã cùng các bạn ra con suối gần nhà chơi và trượt chân bị nước cuốn đi. 

Sau lần đó, anh Sướng đã hiểu hơn tầm quan trọng của việc dạy bơi, trang bị kỹ năng chống đuối nước cho trẻ. Hai cô con gái nhỏ 7 và 9 tuổi được cho đi học các lớp dạy bơi do Đoàn thanh niên xã tổ chức đều đặn.

Anh Sướng cho biết: "Bản có nhiều suối với ao hồ lắm, trẻ con không biết bơi thì nguy hiểm. Mình cho các cháu đi học thế này cũng yên tâm, bố mẹ cũng có thêm kiến thức về sơ cứu, cấp cứu nếu không may trẻ bị đuối nước".
Một học sinh lớp 10 tử vong do đuối nước tại bãi tắm thu phát ven sông Lô, TP. Tuyên Quang. 

Tại TP. Tuyên Quang, phòng chống đuối nước và giảm thiểu nguy cơ tử vong do đuối nước cho trẻ nhỏ được lồng ghép vào các hoạt động ngoại khoá. Nhà trường kết hợp với gia đình và cộng đồng được xem là giải pháp cung chung tay giảm thiểu đuối nước.

Cô giáo Lê Kim Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Tường (TP. Tuyên Quang) cho biết: "Qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các em học sinh đã được phổ biến về nguyên nhân, cách phòng tránh, cách xử trí khi không may gặp tai nạn đuối nước... các con rất hào hứng".

Mới đây (ngày 5.5), vụ đuối nước thương tâm tại xã Nga My, Phú Bình (Thái Nguyên) đã khiến 2 em nhỏ tử vong. Câu chuyện dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ lại khiến các bậc phụ huynh tại đây lo lắng hơn bao giờ hết.

Chị Hoàng Thị Lý xã Tân Hoà (Phú Bình) chia sẻ: "Nhà có 2 đứa nhỏ, bắt chúng ở nhà 24/24h là điều không thể rồi. Vừa rồi cũng phải cho các con đi học lớp kỹ năng sống dưới huyện, thấy họ dạy cả cách sơ cứu khi đuối nước nên cũng yên tâm phần nào".

Thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên cho thấy, trong hơn 4  năm trở lại đây, có khoảng trên 1.300 trẻ em trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị tai nạn thương tích, trong đó, tỷ lệ tử vong do đuối nước chiếm khoảng 70%.
Hội thi kỹ năng bơi lội của tỉnh Thái Nguyên đầu năm 2022, trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ. 

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, đuối nước ở khu vực nông thôn thời gian qua thực sự là hồi chuông cảnh báo tới toàn xã hội. Trẻ em ở khu vực này bản thân đã nhiều thiệt thòi do sự hạn chế về điều kiện kinh tế, xã hội.

TS Hồng cho rằng, để dạy bơi và trang bị kỹ năng chống đuối nước cho trẻ nông thôn không phải là khó, bởi nhu cầu ở đó khá cao. Nhưng thứ thiếu nhất hiện nay vẫn là con người và cơ sở hạ tầng, đó là khâu yếu.

Với các khu vực nông thôn, gần như rất ít nơi có bể bơi công cộng và người dạy cho chuyên môn. Do đó, TS Hồng đề xuất cần đưa bể bơi an toàn thành một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

"Tôi nghĩ có bể bơi an toàn cho tất cả trẻ em phải là tiêu chí ưu tiên của nông thôn mới", TS Hồng chia sẻ.

Ngày 3.5, Thủ tướng Chính phủ gửi công điện yêu cầu phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè, đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trước đó về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn